Điều 51 Nghị định 62/2015/NĐ-CP về việc xuất cảnh của người phải thi hành án quy định: Đối với cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định thì quy định về tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng đối với người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều luật này cũng quy định các trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản; Việc giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh…
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp thì điều này mới chỉ quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức; những trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh; trường hợp người phải thi hành án có ủy quyền và việc giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh nhưng chưa có quy định cụ thể về những trường hợp, những đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh. Việc tạm hoãn xuất cảnh là quy định bắt buộc hay là tùy nghi hay theo yêu cầu? Có rất nhiều hệ quả pháp lý phát sinh cần phải giải quyết liên quan đến vấn đề này.
Hiện nay, pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh đối với cá nhân được chia theo đối tượng: đối với công dân Việt Nam và đối với người nước ngoài. Cụ thể đối với công dân Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015).
Theo đó: Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
Nghị định nói trên cũng quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh; Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 03 năm và có thể gia hạn. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh.
Căn cứ vào các quy định trên, Bộ Tư pháp cho rằng chính sách về tạm hoãn xuất cảnh đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài có sự khác nhau. Cụ thể: Công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh nhưng đối với người nước ngoài thì có thể bị tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp chưa thi hành xong bản án, quyết định của Tòa án.
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự không kịp thời ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, người phải thi hành án xuất cảnh ra nước ngoài dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, thực tế, cơ quan thi hành án dân sự mới thực hiện chưa cho xuất cảnh đối với một số trường hợp riêng lẻ mà chưa có cơ chế thực hiện tổng thể để nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Do đó, để quy định cụ thể cơ chế thực hiện thống nhất trong toàn quốc, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Người phải thi hành án là công dân Việt Nam chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án thì chưa được xuất cảnh. Quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải có nội dung về việc chưa cho xuất cảnh đối với người phải thi hành án và gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh.
Người phải thi hành án là người nước ngoài chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án thì có thể bị tạm hoãn xuất cảnh khi có yêu cầu của người được thi hành án. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về tạm hoãn xuất cảnh và gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 03 năm và có thể gia hạn.
Cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định thì quyết định về tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng đối với người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trường hợp thay đổi về người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức hoặc thuộc các trường hợp quy định thì cơ quan thi hành án dân sự gửi văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh để điều chỉnh thông tin.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung trách nhiệm giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh nếu đương sự đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được xuất cảnh.