Chỉ cần dẫn chiếu đến Nghị định số 116?
Cụ thể, theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, quan điểm thứ nhất cho rằng, việc quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy là vượt quá thẩm quyền, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp, đây là những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người và cần phải được quy định bởi luật.
Mặt khác, theo thứ bậc có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật thì Pháp lệnh không dẫn chiếu đến quy định tại văn bản có giá trị hiệu lực thấp hơn. Hơn nữa, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định điều kiện áp dụng cho cả đối tượng là người trên 18 tuổi, chưa phù hợp với đối tượng là người dưới 18 tuổi. Do vậy, Pháp lệnh cần quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại bảo đảm việc áp dụng pháp luật kịp thời, thống nhất trong thực tiễn.
Quan điểm thứ hai cho rằng, điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại đã được quy định tại Điều 57 và Điều 58 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Dự thảo Pháp lệnh không cần quy định lại vấn đề này, chỉ cần dẫn chiếu đến Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Do đó, không nên quy định nội dung này trong dự thảo Pháp lệnh.
Đại diện Nhóm nghiên cứu báo cáo ý kiến bước đầu về nội dung còn có quan điểm khác nhau nêu trên của dự thảo Pháp lệnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên cho biết: Đa số ý kiến trong Nhóm nghiên cứu tán thành việc dự thảo Pháp lệnh quy định nội dung này, bởi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021chưa quy định nội dung này. Việc dự thảo Pháp lệnh quy định các điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phù hợp với khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy
Ngoài ra, Điều 57 và Điều 58 của Nghị định số 116, Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chung cho các đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên, có quy định không phù hợp với người dưới 18 tuổi, mặt khác chưa bao quát hết các trường hợp ở độ tuổi này. Vì thế, dự thảo Pháp lệnh quy định nội dung này là phù hợp với đặc điểm của việc đưa người bị đề nghị về cơ sở cai nghiện bắt buộc, bảo đảm quyền và lợi ích của người bị đề nghị...
Cần tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi hòa nhập cộng đồng
Về vấn đề này, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Thị Xuân băn khoăn và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi lẽ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu không quy định lại các nội dung đã được quy định và trên thực tế Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 bao quát cả những vấn đề nêu trên theo trách nhiệm tại Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy.
Còn Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đỗ Đức Hiển lại tán thành với việc quy định nội dung này tại dự thảo Pháp lệnh. Ông phân tích: Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định cụ thể về các điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định cũng như tạm đình chỉ, miễn chấp hành thời gian còn lại. Trên cơ sở đó, Pháp lệnh 09 đã quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.
Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy, cùng với quy định đây không phải là biện pháp xử lý hành chính thì chỉ quy định 1 trường hợp miễn chấp hành thời gian còn lại đối với người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi đã bị xử lý hình sự. Vì vậy, nếu dự thảo Pháp lệnh không quy định thì sẽ thiếu cơ sở pháp lý để áp dụng các điều kiện tương tự như những người trên 18 tuổi đối với trường hợp người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện, do đó không bảo đảm mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.
Ngoài ra, ông Đỗ Đức Hiển lưu ý khoản 2 Điều 14 Hiến pháp nêu nguyên tắc về giới hạn quyền thôi, còn dự thảo Pháp lệnh quy định là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, ông Hiển đề nghị cần lý giải rõ nội dung này để báo cáo Thường vụ xem xét, quyết định.
Đồng tình, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam cho biết đã đọc kỹ Nghị định 116 của Chính phủ và thấy rằng quy định chưa phù hợp với nhóm dưới 18 tuổi trong khi “số người nhiện bây giờ độ tuổi trẻ quá”. “Nếu Pháp lệnh để trống ở phần này thì nhóm trẻ này không có điều kiện để có cơ hội giảm thời gian, sớm hòa nhập cộng đồng như là một trong các mục đích chính sách đặt ra. Tại sao người trên 18 tuổi được giảm mà dưới 18 tuổi chưa được quyền này?”, bà đặt câu hỏi và nêu quan điểm nếu không có giải pháp rõ ràng ngay trong Pháp lệnh sẽ dẫn đến khó thực thi.