Theo hãng tin TASS của Nga, gần 2.000 người đã phải sơ tán khỏi câu lạc bộ Green Concert ở phía Nam thủ đô Moskva sau khi có thông báo nặc danh về nguy cơ địa điểm này bị đặt bom.
Liên tiếp đe dọa
Vào thời điểm nhận được thông báo đe dọa này, tại Green Concert đang diễn ra buổi biểu diễn của nghệ sĩ Thomas Mraz. Ngoài ra, gần 100 người khác cùng ngày cũng đã phải sơ tán khỏi khu phức hợp thể thao Olympisky tại Moskva do có một cuộc gọi nặc danh đe dọa đặt bom tại đây. Một cuộc gọi nặc danh khác lại đe dọa đặt bom một tòa nhà tại đường Bryusovở trung tâm thủ đô Moskva, bên cạnh trụ sở Hội nhạc sĩ Moskva.
Trước đó, ngày 26/9, xuất hiện các thông báo nặc danh đe dọa đặt bom tại Bảo tàng Moskva, Trung tâm thương mại-giải trí Altufevsky và 5 rạp chiếu phim tại thủ đô Moskva. Nhà chức trách Nga đã kiểm tra Bảo tàng Moskva, Trung tâm thương mại-giải trí Altufevsky, các rạp chiếu phim tại thủ đô Moskva gồm Vympel, Pioner, Almaz Cinema, tổ hợp nhà hát-rạp chiếu phim Baku, câu lạc bộ chiếu phim-bảo tàng Eldar.
Vụ việc được bắt đầu trong 2 ngày 12-13/9, khi nhiều thành phố của Nga, trong đó có thủ đô Moskva, đã nhận loạt cuộc gọi thông báo có bom đặt tại các trụ sở hành chính và trung tâm thương mại, trường đại học, trường phổ thông và rạp chiếu phim. Sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành sơ tán người dân khỏi các địa điểm này để kiểm tra, song không có thông báo nào được xác nhận. Theo cơ quan trên, nhiều cuộc gọi xuất phát từ lãnh thổ Ukraine.
Các đường dây nóng cho biết trong ngày 13/9, riêng tại thủ đô Moskva đã nhận được 20 cuộc gọi như vậy, hậu quả là lực lượng chức trách phải sơ tán khoảng 10.000 người khỏi các trung tâm thương mại lớn, nhà ga và trường đại học. Hiện lực lượng chức năng đang kiểm tra thông tin về bom tại ba nhà ga chính gồm Kiev, Kazan và Leningrad, 4 trung tâm thương mại gồm Megapolis, Afimall, Gorod, Schelkovo và trường đại học Y khoa Sechenova.
Cơ quan phụ trách đường dây nóng khẩn cấp cho biết các cuộc gọi nặc danh tăng mạnh trở lại trong ngày 19/9, khiến gần 100.000 người phải sơ tán, 151 địa điểm phải kiểm tra tìm kiếm bom. Thông tin về nguy cơ “đặt bom” xuất hiện tại thủ đô Moskva, các thành phố Salekhard, Rostov-na-Donu, Volgograd, Ekaterinburg, Astrakhan và Voronezh.
Hiện vẫn chưa tìm ra được thủ phạm “khủng bố điện thoại” |
Ngày 20/9, lực lượng chức năng thành phố lớn thứ 2 của Nga là Sankt-Petersburg cũng phải sơ tán người dân khỏi Quảng trường Cung điện sau khi có cuộc gọi báo bom. Trong khi đó tại Moskva, một số trung tâm thương mại và trụ sở chính quyền các quận ở thủ đô cũng đã nhận được tin nhắn khủng bố và buộc phải sơ tán người dân và nhân viên.
Thủ phạm là tin tặc quốc tế
Giới chức Nga cho biết trong vòng hơn 2 tuần qua, hơn 1.000 địa điểm tại thủ đô Moskva và các thành phố khác của Nga liên tiếp nhận được các thông báo nặc danh bằng điện thoại đe dọa đặt bom. Làn sóng “khủng bố điện thoại” thông báo nặc danh về các vụ đặt bom không có dấu hiệu suy giảm, cơ quan chức năng đã phải sơ tán hơn 200.000 người nhưng sau đó nhà chức trách Nga lại không phát hiện có mối đe dọa nào.
Nguồn tin riêng của hãng tin RBK (Nga) trước đó cho biết Cơ quan An ninh liên bang (FSB) hiện đang xem xét giả thiết có một nhóm tin tặc quốc tế đứng sau các cuộc gọi nặc danh nói trên. FSB cho rằng nhóm này đã viết một chương trình riêng để tạo nên dòng các cuộc gọi sử dụng điện thoại IP đến các địa chỉ lựa chọn là các địa điểm công cộng.
Đồng thời, FSB cũng xác định được rằng một số cuộc gọi được thực hiện từ Brussels (Bỉ). Trước đó, có thông tin cho rằng tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hoặc những phần tử từ Ukraine có thể là những đối tượng thực hiện các cuộc gọi “khủng bố”.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, đây là hình thức khủng bố qua điện thoại. Tổng thống Vladimir Putin đã được báo cáo ngay khi những cuộc gọi gây hại này bắt đầu diễn ra. Ông Peskov nhấn mạnh cần có những biện pháp cần thiết để xác định những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ việc này.