Hàng kém chất lượng… “đến hẹn lại lên”
Ngày Tết đang đến gần, sức mua người tiêu dùng tăng mạnh, nên các chủ cửa hàng đua nhau lấy hàng và bày bán phục vụ Tết. Tuy nhiên, dạo quanh chợ đầu mối như Đồng Xuân hay những cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) dễ dàng nhận thấy nhiều mặt hàng bánh, kẹo, mứt… có nguồn gốc không rõ ràng được bày bán tràn lan.
Tại phố Hàng Buồm, khách hàng cũng sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều loại bánh, kẹo, mứt được bày bán theo cân, không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng. Nếu hỏi chủ cửa hàng nào cũng khẳng định đây là hàng chất lượng, hạn sử dụng lâu dài.
Tại một sạp bán bánh kẹo ngay đầu chợ Đồng Xuân bày bán rất nhiều loại mứt, tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, các loại mứt này không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đủ các loại mứt mận, ô mai, gừng… đóng gói trong những túi nilon mà không hề ghi hạn sản xuất.
Ngay sạp kế bên, một tiểu thương ngồi một góc chợ cười nói và tự đóng gói sản phẩm “Xoài miếng sấy khô”. Không sử dụng bao tay nilon cũng như đóng gói ngay tại chợ chắc chắn không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa nói đến việc, quá trình người này thực hiện lấy hàng trong một túi nilon màu đỏ và đóng vào trong một bao bì với tem nhãn mác đã chuẩn bị sẵn.
Điều đặc biệt, vỏ bao bì ghi tên cơ sở Huy Thạnh, sản xuất tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP HCM) thế nhưng lại được đóng gói ngay tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội với những lời quảng cáo hút khách in trên bao bì như “hàng Việt Nam chất lượng cao”, “sản xuất theo công nghệ Đài Loan”. Theo tìm hiểu được biết, giá của sản phẩm này khi được đóng gói hoàn thiện là 250.000 đ/kg.
Theo chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc rất nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt trong các loại mứt thường sử dụng nhiều phụ gia, màu thực phẩm không rõ nguồn gốc, liều lượng có nguy cơ gây ung thư. Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm rõ nguồn gốc, không nên vì ham rẻ mà có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của mình.
Chuyên gia cũng lưu ý, các mặt hàng không có nhãn mác, không in rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì thì tuyệt đối không nên mua. Thông thường những mặt hàng này không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm do công nghệ sản xuất, thành phần nguyên liệu không rõ ràng…
Đối với những mặt hàng không thể biết chính xác nơi sản xuất vì đặc thù của mặt hàng thì có thể nhận biết bằng cách quan sát màu sắc trên toàn bộ thực phẩm. Nếu thực phẩm chất lượng, an toàn sẽ không có một màu đồng bộ giống nhau, nghĩa là mỗi vị trí sẽ có những mức độ màu sắc khác nhau.
Không nên mua bánh, mứt, kẹo không nguồn gốc, bề ngoài có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt… vì thường chúng được nhuộm màu bằng màu thực phẩm tổng hợp, thậm chí bằng màu công nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những cơ sở kinh doanh tại nhà, lấy màu để nhuộm thực phẩm từ những quả, lá trong tự nhiên như lá dứa, gấc, khoai tím, cà rốt, củ dền. Những màu tự nhiên này thường không được tươi.
Cần mạnh tay xử phạt
Hiện tượng bánh, mứt, kẹo chất lượng kém được bán tràn lan ở các chợ vào dịp Tết không còn mới. Nhà chức trách đã có nhiều hành động quyết liệt song tình hình vẫn rất khó kiểm soát. Và mặc cho có nhiều cảnh báo rốt ráo về những loại bánh, kẹo, mứt kém chất lượng sẽ gây tác hại tới sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vì lợi nhuận quá hấp dẫn mà nhiều người vẫn sản xuất, buôn bán mặt hàng này.
Được biết, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm sửa đổi, bổ sung để tăng tính răn đe, phòng ngừa và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính, tính khả thi và hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, góp phần bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại trên thị trường.
Bộ Công Thương cũng có khuyến cáo, người tiêu dùng nếu phát hiện các loại bánh, kẹo, mứt nhập khẩu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tem phụ bằng tiếng Việt thì cần báo cho các cơ quan chức năng hoặc Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam để có những biện pháp xử phạt nghiêm minh và tịch thu, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP có quy định mức xử phạt hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa được quy định cụ thể với từng mức hàng hóa vi phạm: đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng; phạt tiền từ 500.000-2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1-3 triệu đồng; phạt tiền từ 2-3 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3 đến dưới 5 triệu đồng; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5 đến dưới 10 triệu đồng…
Ngoài ra cá nhân vi phạm còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung (như tịch thu tang vật vi phạm; ước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề…) và phải có các biện pháp khắc phục hậu quả.
Về xử lý hình sự, Điều 156 BLHS quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của BLHS hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ 3-10 năm.