Tại Hôi thảo " Ngân hàng - Doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ" diễn ra vào ngày hôm qua (6/9) tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã phải thốt lên rằng ông cực kỳ kinh ngạc về diễn biến của các con số.
8 tháng tăng trưởng GDP 5,67%, xuất khẩu tăng 33%, … “có lẽ lạm phát là con số xấu nhất”- ông Ánh bình luận. Nếu như giữa năm 2008 lạm phát lên đến đỉnh điểm gần 29% thì theo ông Ánh, lạm phát năm nay còn kinh khủng hơn, mặc dù dự đoán tháng 9 này lạm phát sẽ không quá 1%.
“Lãi suất thực dương phải lớn hơn lạm phát kỳ vọng. Nhưng kỳ vọng là bao nhiêu? Vấn đề là không ai tính được kỳ vọng…” - TS Ánh phát biểu.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, vị chuyên gia này cũng nêu lên một loạt các con số đầy kinh ngạc. Ví thử, tháng 7, tăng trưởng tín dụng là 7,57%, con số mới nhất NHNN công bố tháng 8 là 8,58%, còn theo phát biểu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình thì con số đó thực ra lại là 11,7%. Số liệu tháng 7 cho thấy, tổng tiền gửi (% tăng so với tháng 12/2010) là 3,96%, nhưng đến tháng 8, con số này đã tăng hơn gấp đôi, lên 8,44%. “Từ 8,58% đến 11,7% là khỏang cách khá xa, vậy đâu là con số thực? Tổng tiền gửi qua 1 tháng đã tăng kinh khủng, còn mức tăng 11,7% như Thống đôc nói cũng không phải vừa!”- TS Ánh tỏ ra nghi ngờ.
Giảm lãi suất- bao nhiêu doanh nghiệp có được lợi?
Theo VCCI, hiện có đến 30% doanh nghiệp (DN) đang trong tình trạng phá sản. Con số này được một DN khẳng định là hoàn toàn có cơ sở vì các DN đang lỗ.
Gần như tất cả chỉ trích đều hướng về lãi suất, tuy nhiên, giảm lãi suất có giúp cho DN bớt khó khăn? Giám đốc của một ngân hàng thương mại cho biết, trong 5 vạn DN khách hàng chỉ có 10% - 15% có quan hệ thường xuyên với ngân hàng. Không phải không có cơ sở khi có ý kiến đặt vấn đề, rằng lãi suất chỉ là một trong những yếu tố làm trầm trọng hóa tình trạng khó khăn của DN. Nguyên nhân căn bản là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động của DN. “Không phải lãi suất hạ thì DN sẽ tốt hơn, mà cái chính là các DN trong giai đoạn hiện nay cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới” – một chuyên gia phá biểu.
Theo TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng thì thông điệp của NHNN về đưa lãi suất xuống 17-19% là ý chí có đồng thuận của các ngân hàng lớn, tuy nhiêu vấn đề này còn nhiều tranh cãi.
Mặc dù hưởng ứng kêu gọi giảm lãi suất của NHNN, song Tổng giám đốc VP Bank, ông Nguyễn Hưng cũng thừa nhận cần phải có thời gian. Bởi giảm ngay lãi suất cho vay xuống 17-19% trong khi ngân hàng vẫn đang phải huy động cao như hiện này là cầm chắc lỗ, mặc dù ngân hàng này cũng vừa công bố dành gói tín dụng với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng với lãi suất 17- 19% dành cho DN sản xuất và xuất khẩu nông sản, thủy sản, hải sản; các DN hoạt động trong lĩnh vực y tế và giáo dục
TS Vũ Đình Ành thì quả quyết: “Lạm phát hiện nay đã đến đỉnh, chỉ có thể giảm lãi suất khi lạm phát được kiểm soát, nếu không DN chỉ được hưởng trong ngắn hạn, không bền vững”…
Thanh Thanh