Chùa Đồng Lư nằm thanh bình, yên ả ở phía tây thôn Đồng Lư, xã Tân Thịnh (Nam Trực). Ngoài việc giữ gìn phong tục, tín ngưỡng, nay chùa còn là địa chỉ tin cậy cho trẻ em khuyết tật khi chi hội Cứu trợ trẻ em tàn tật chùa Đồng Lư được thành lập.
Đại đức Thích Thanh Huỳnh trụ trì chùa Phúc Sơn xã Hải Trung (Hải Hậu) nuôi dưỡng 10 cụ già cô đơn tại chùa và trợ giúp 12 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo học.
Ảnh: Dương Đức
|
Chủ tịch chi hội là trụ trì của chùa Đồng Lư - Sư cụ Thích Thanh Minh. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, sư cụ Thích Thanh Minh đã từng nhập ngũ, cầm súng bảo vệ Tổ quốc trong những năm chống Mỹ cứu nước. Trở về địa phương, mang trong mình thương tật của chiến tranh, tâm luôn hướng về cửa Phật, sau khi đã đi tu, nhà sư đã bán căn nhà riêng để đóng góp xây dựng chùa Đồng Lư. Ngoài việc tu hành niệm Phật, sư cụ luôn trăn trở một điều: "Làm thế nào để tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật được lao động bằng chính khả năng của mình, trở thành những người có ích cho xã hội và tự tin hoà nhập vào cộng đồng. Với tâm niệm đó, sư cụ đã làm đơn lên "Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam" (HCTTETTVN) cho thành lập "chi hội Cứu trợ trẻ em tàn tật chùa Đồng Lư" nhằm giúp những trẻ em khuyết tật có việc làm. Ngày 25-5-2010, sau khi nhận được Quyết định của "Trung ương HCTTETTVN", sư cụ Thích Thanh Minh đã phát tâm xây dựng khu nhà nuôi dưỡng, dạy nghề trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam với diện tích 600m2 nhà 2 tầng bao gồm nhà sinh hoạt và các lớp đào tạo nghề, đồng thời mua 30 chiếc máy may được thiết kế đặc biệt dành riêng cho người khuyết tật. Chi hội cũng đã xây dựng tổ chức hội trong sạch vững mạnh, đồng thời vận động sự ủng hộ tài trợ của cộng đồng. Tuy chi hội mới đi vào hoạt động nhưng đã có trên 10 em trong danh sách được bảo trợ, nuôi dưỡng và dạy nghề cùng với nhiều đăng ký của các gia đình có con em bị khuyết tật hoặc mang di chứng của chất độc da cam.
Sư cụ cho biết: Ngoài việc đào tạo các nghề như may, cơ khí, thêu ren, các em sẽ được hưởng chế độ lương tháng từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng và được chăm sóc chữa trị bệnh tật. Đây được coi như là nơi để các em gặp gỡ, chia sẻ cho vơi bớt mặc cảm, cô đơn. Sư cụ còn nung nấu tâm nguyện là sẽ mở các lớp văn hoá, văn nghệ, dạy đàn, nhạc để các em có cơ hội giao lưu nghệ thuật với cộng đồng. Tuy nhiên, để thực hiện được tâm nguyện ấy, rất cần đến tấm lòng nhân đức của các nhà hảo tâm trong việc đầu tư các trang thiết bị dạy nghề để giúp các em chữa trị và học hành./.