Đất nước Việt Nam có trên 4.000 năm lịch sử, nhân dân ta có một nền y học cổ truyền không ngừng phát triển qua các thời kỳ. Tổ tiên ta từ xưa đã có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh, phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe bằng cách lấy gỗ làm nhà, đào giếng lấy nước ăn uống, dùng gừng, riềng làm gia vị nấu ăn, biết ăn trầu để làm ấm cơ thể, nhuộm răng để bảo vệ răng miệng… Ngày nay, với hàng nghìn vị thuốc được phát hiện và sử dụng ở quanh ta, chỉ cần có một chút kiến thức về y học cổ truyền, mọi người đều có thể tự phòng và chữa bệnh cho bản thân.
Thuở sơ khai của nền y học cổ truyền
Y học cổ truyền Việt Nam phát triển cùng chiều dài lịch sử của dân tộc, chịu ảnh hưởng nhiều từ nền kinh tế nông nghiệp và nền văn hóa phương Đông. Sau thời kỳ Hùng Vương, từ năm 111 trước Công Nguyên đến năm 938 sau Công Nguyên, mặc dù phương Bắc bị đô hộ gần 1.000 năm nhưng ông cha ta vẫn phát huy nền y học cổ truyền, tìm tòi các phương pháp chữa bệnh, các vị thuốc có trong nước. Mặt khác cũng tiếp thu thêm nền y học Trung Quốc (Trung y) giao lưu sang nước ta.
Từ thời kỳ này trở đi nền y học cổ truyền của ta tiếp thu những kinh nghiệm phòng chữa bệnh của dân tộc và những kinh nghiệm của Trung y áp dụng sáng tạo ở nước ta. Trải qua các triều đại phong kiến, ở triều đình có bộ phận Thái y chăm lo bảo vệ sức khỏe cho vua, có nhiều thầy thuốc chuyên lo việc chữa bệnh cho nhân dân, phát triển tổ chức trồng thuốc.
Vào thế kỷ thứ 13, vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông đã nêu gương y đức, hết lòng thương yêu người bệnh. Không phân biệt giàu nghèo, tự bỏ tiền ra xây dựng nơi chữa bệnh và phát thuốc cho nhân dân, việc làm ý nghĩa trên đã cứu sống được nhiều người.
Trong nền y học cổ truyền Việt Nam, hẳn ai cũng biết đến danh y Tuệ Tĩnh. Ông tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (SN 1330 – 1400, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương ngày nay). Ông đỗ Tiến sĩ nhưng đi tu không ra làm quan, chỉ chuyên làm thuốc chữa bệnh cho nhân dân, tập trung nghiên cứu cây thuốc, viết sách truyền bá y học. Tuệ Tĩnh để lại bộ sách: Nam dược thần hiệu 11 quyển với 580 vị thuốc có trong nước, 3.873 bài thuốc chữa 182 chứng bệnh trong mười khoa lâm sàng. Quyển Hồng Nghĩa giáp Tư Y gồm 02 bài thuốc Phú Nam (01 bằng chữ Nôm, 01 bằng chữ Hán) nêu lên công dụng 630 vị thuốc, 13 phương gia giảm, dùng thuốc theo chứng và các thiên “y luận” về lý luận cơ bản, chẩn đoán học, mạch học.
Tuệ Tĩnh là người đầu tiên nêu cao khẩu hiệu “Nam dược trị Nam nhân” phổ biến y dược học một cách dễ hiểu, dễ làm để nhân dân tự chữa bệnh bằng các phương pháp châm cứu, uống thuốc. Ông còn tuyên truyền phổ biến cách giữ gìn sức khỏe điều độ, vệ sinh trong sinh hoạt, tổng kết trong mấy vần thơ: Bế tinh dưỡng khí tồn thần/ Thành tâm quả dục thủ chân luyện hình”. Ông được người đương thời và người đời sau coi là vị “Thánh thuốc Nam”, là bậc đại thiện, đại nho, đại y và dược.
Bên cạnh danh y Tuệ Tĩnh, ở Việt Nam còn có danh y Lê Hữu Trác, tức Hải Thượng Lãn Ông (SN 1720 – 1791, quê ở xã Văn Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên ngày nay). Lê Hữu Trác văn hay võ giỏi, từ bỏ con đường làm quan, quyết tâm đi sâu nghiên cứu y học, đề cao tinh thần trách nhiệm chữa bệnh và cứu giúp cho người bệnh nhân, bác bỏ quan niệm về “số mệnh”, trung thực tổng kết công tác y học, viết sách phổ biến công tác vệ sinh phòng bệnh và lý luận y học.
Hải Thượng Lãn Ông là tổng hợp những thành tựu của nền y học Đông Phương đến thế kỷ 18, áp dụng sáng tạo vào điều kiện thiên nhiên và bệnh tật ở nước ta, tổng kết hoàn chỉnh từ lý luận đến phương pháp chữa bệnh thành bộ sách Hải Thượng Y tông Tâm lĩnh gồm 28 tập chia là 88 quyển. Nội dung nêu các vấn đề về đạo đức người thầy thuốc, vệ sinh phòng bệnh, lý luận cơ sở, chẩn đoán học, mạch học các phương pháp trị luận, dược học, các nghiệm phương dân tộc, các bệnh án…
Trong công tác đào tạo cán bộ, ông luôn chú ý đến việc giáo dục đạo đức người thầy thuốc về tình thương yêu, vụ người bệnh đến cùng, tính trung thực. Ông tìm thấy thêm 300 vị thuốc mới, tổng hợp thêm 2.854 bài thuốc kinh nghiệm, ông luôn khuyến khích các đồng nghiệp và học trò chú trọng vì thuốc có trong nước để chữa bệnh. Sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông rất to lớn đã làm rạng rỡ ngành y học cổ truyền nước ta.
Phát triển trong giai đoạn mới
Sau khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược (1844 -1945) chúng đã tiêu diệt nền văn hóa dân tộc ta trong đó có nền y học cổ truyền, chúng giải tán các tổ chức y tế thời nhà Nguyễn, loại y học cổ truyền ra khỏi tổ chức y tế bảo hộ. Lúc này việc chữa bệnh cho nhân dân lao động là do các Lương y phụ trách, do đó nhân dân vẫn tín nhiệm y học cổ truyền.
Năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập và mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Năm 1954 Đảng, Chính phủ đã động viên các thầy thuốc Lương y, dược sĩ, các nhân viên y tế tham gia kháng chiến để bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.
Trong giai đoạn trai quả hai cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hơn ai hết quan tâm đến vấn đề kết hợp nền y học hiện đại với nền y học cổ truyền của dân tộc để xây dựng nền y học Việt Nam. Trong bức thư gửi cho hội nghị ngành y ngày 27/02/1955, Người viết: “Trong những năm bị nô lệ thì y học của ta cũng như các ngành khác bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu chữa bệnh của nhân dân ta. Y học cũng phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng”.
Cũng trong thư Người lại chỉ: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta (thuốc Nam) thuốc Bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”.
Từ những lời căn dặn của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960 đã đề ra Nghị quyết và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ trương kết hợp Đông Tây y của Đảng và Chính phủ như: “Phối hợp chặt chẽ Đông y và Tây y trong công tác y tế trên các mặt phòng bệnh, chữa bệnh sản xuất thuốc men, đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở khoa học thừa kế phát huy những kinh nghiệm tốt của Đông y, kết hợp Đông y và Tây y nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân tiến lên xây dựng một nền y học Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Trải qua hàng chục năm, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tích xây dựng nền y học Việt Nam kết hợp với học cổ truyền của dân tộc trong nhiều mặt. Đã thành lập được mạng lưới y tế nhà nước và y tế nhân dân từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó có các khoa, các bộ phận chuyên chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Thành lập Viện Y học cổ truyền Việt Nam; Hội Y học cổ truyền Việt Nam; Bệnh viện y học cổ truyền. Đưa môn học y học cổ truyền vào trường học để đào tạo bác sĩ để kế thừa, nghiên cứu phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Từ Trung ương đến các cơ sở các hợp tác xã thuốc y học cổ truyền, các tổ chức chẩn trị đã dùng các phương pháp chữa bệnh của nền y học cổ truyền Nhất là thuốc Nam để châm cứu, chữa bệnh cho hàng chục triệu lượt người bệnh. Góp phần rất tích cực vào công cuộc phục hồi sức khỏe cho nhân dân.
Như vậy có thể thấy, Y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam đã không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, từ lý luận thuốc, các phương thuốc chữa bệnh, những kinh nghiệm chữa bệnh của cha ông ta với nguồn dược liệu phong phú kết hợp với kinh nghiệm chữa bệnh của nền y học cổ truyền của nhân dân nước láng giềng như Campuchia, Lào, Trung Quốc, tất cả các kiến thức, kinh nghiệp được áp dụng sáng tạo vào điều kiện thiên nhiên sức khỏe bệnh tật của nhân dân đất nước ta.
Dưới sự phát triển của y học hiện đại, việc kết hợp Y học hiện đại với Y học Cổ truyền Dân tộc là cuộc cách mạng khoa học trong y học để xây dựng một nền y học Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiến bộ nhất, có đầy đủ tính khoa học, dân tộc, đại chúng.
Trong các số báo tiếp theo báo Xa lộ Pháp luật sẽ truyền tải tới bạn đọc cách học, chẩn đoán và phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại để mọi người có thể tự phòng, chữa bệnh cho mình và người thân.
(Còn nữa)