Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc bồi thường nhà nước
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm 2024 bảo đảm chất lượng, tiến độ công tác. Số lượng vụ việc yêu cầu bồi thường (BTNN) có vướng mắc, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này cho thấy công tác BTNN đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo giải quyết; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác BTNN đã phát huy hiệu quả. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và phối hợp thực hiện công tác BTNN đã được thực hiện sát sao, tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc BTNN cũng như việc quản lý nhà nước về công tác BTNN được thuận lợi, hiệu quả.
Tại địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường ngay từ đầu năm; phối hợp với Cục thực hiện nhiều hoạt động tập huấn tại địa phương mình. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng chủ động xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của Cục khi có vụ việc yêu cầu BTNN phát sinh trên địa bàn; thể hiện sự thay đổi về cách tiếp cận của Lãnh đạo tỉnh cũng như cơ quan giải quyết bồi thường đối với công tác BTNN, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng. |
Ngoài ra, công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng được quan tâm; việc quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức. Công tác cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng được triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
Trong 6 tháng cuối năm, Cục sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024 của Cục, trong đó chú trọng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu về công tác BTNN. Cùng với đó, tăng cường theo dõi, kiểm tra công tác BTNN tại địa phương; phát huy vai trò phối hợp liên ngành trong công tác BTNN …
Chất lượng trợ giúp pháp lý được nâng cao
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Vũ Thị Hường cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Cục đã bám sát và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2024; tập trung năng lực để nghiên cứu, xây dựng nhiều văn bản như: Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý; Đề án “Nâng cao vai trò, hiện đại hoá, phát triển trợ giúp pháp lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…
Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý (TGPL) cũng được Cục chú trọng đẩy mạnh thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Theo đó, Cục đã tổ chức nhiều đợt truyền thông trên toàn quốc; lựa chọn các vụ việc TGPL thành công để xây dựng kịch bản các vụ diễn án, phóng sự; xây dựng các tờ gấp pháp luật, các thông điệp về TGPL …
Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Vũ Thị Hường. |
Đối với công tác phối hợp TGPL trong tố tụng, Cục đã triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao về việc người thực hiện TGPL trực tại Toà án. Đến nay có 63 Sở Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân cấp tỉnh ký kết Chương trình/Kế hoạch phối hợp để cụ thể hoá và triển khai Chương trình. Căn cứ điều kiện cụ thể, có 20 tỉnh/thành phố trực cả qua điện thoại và trực tại trụ sở Toà án; 43 tỉnh/thành phố trực qua điện thoại; Tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự với Bộ Công an.
Trong 6 tháng đầu năm, các Trung tâm đã thụ lý mới 19.102 vụ việc (tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 15.112 vụ việc TGPL tham gia tố tụng (tăng 4,76% so với cùng kỳ năm 2023); 44 Trung tâm thực hiện thẩm định chất lượng được 6.664 vụ việc, trong đó các vụ việc thẩm định đều đạt chất lượng; số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công là 4.698 vụ việc (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các văn bản được giao; hướng dẫn, theo dõi việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành ở 63 địa phương trong toàn quốc; bám sát tình hình, thực tiễn công tác và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động TGPL tại địa phương…
Khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng tiến độ được giao
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận tinh thần chủ động trong triển khai thực hiện công tác và đánh giá cao kết quả hai đơn vị đạt được trong 6 tháng vừa qua.
Thứ trưởng đề nghị hai Cục tiếp thu các ý kiến của Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo kết quả công tác; phân công nhiệm vụ cụ thể, đôn đốc, sâu sát việc thực hiện của các phòng, ban. Thứ trưởng lưu ý hai Cục cần quan tâm hơn nữa đến công tác hoàn thiện thể chế, trong đó chỉ lựa chọn những nội dung cơ bản, cốt lõi để giao nhà nước quản lý, những nội dung khác sẽ phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Cùng với đó, hai Cục cũng phải tăng cường công tác chỉ đạo điều hành để nâng cao hiệu quả, tiến độ công việc; tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng. |
Đối với Cục Trợ giúp pháp lý, theo Thứ trưởng, muốn nâng cao nghiệp vụ, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Cục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công “Hệ thống thông tin trợ giúp pháp lý”; nghiên cứu việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đồng thời chú trọng công tác thống kê số liệu, các vụ việc đã thực hiện và ứng dụng kết quả của Đề án 06.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu 2 Cục tăng cường quản lý tài chính, tài sản; quan tâm công tác tổ chức cán bộ, cân nhắc việc chuyển đổi vị trí việc làm, luân chuyển, điều động nội bộ nhằm tạo động lực công tác cho cán bộ, công chức, viên chức tại Cục./.