Vẫn còn là vấn đề mới
Tranh chấp đầu tư quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế được khởi xướng trên thế giới từ những năm giữa thế kỷ 20 và có xu hướng ngày càng gia tăng trên thế giới cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của đầu tư xuyên biên giới. Tính đến hết tháng 7/2019, số lượng các vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước trên thế giới là 983 vụ, trong đó số vụ tranh chấp hiện đang được giải quyết tại các thiết chế là 332 vụ.
Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã ký kết, tham gia khoảng 2.000 điều ước quốc tế. Đồng thời tích cực đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Đặc biệt, CPTPP và EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới hướng tới thiết lập khuôn khổ pháp lý mới, với các cam kết cao hơn, sâu rộng và tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với tự do hóa thương mại so với các cam kết trong khuôn khổ WTO và các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã là thành viên. Các FTA này nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh, thương mại, bình đẳng, giảm thiểu sự can thiệp của Chính phủ vào thị trường để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả. Do đó, các FTA này sẽ đem lại những tác động đáng kể đến khuôn khổ pháp luật về kinh tế, thương mại hiện hành và đặc biệt là việc tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam trong mối quan hệ với các nước thành viên khác.
Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tếgiữa Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài còn rất mới. Bản thân Chính phủ Việt Nam không muốn xảy ra các tranh chấp, và luôn nỗ lực để phòng ngừa các vụ kiện. Nhưng khi nhà đầu tư khởi kiện, Chính phủ buộc phải tham gia vào các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Nếu Việt Nam không tham gia vụ kiện có nghĩa Việt Nam đã từ bỏ quyền tự bảo vệ của mình và Hội đồng Trọng tài vẫn sẽ được thành lập và ra phán quyết về vụ kiện căn cứ theo yêu cầu và chứng cứ do các Nguyên đơn cung cấp. Trong trường hợp như vậy, kết quả vụ kiện sẽ rất bất lợi cho Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian qua, số lượng các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế mà nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam có xu hướng gia tăng.
Theo số liệu của Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các tranh chấp này phát sinh chủ yếu ở một số lĩnh vực như đăng ký doanh nghiệp; giao đất và thu hồi đất; các nội dung liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực cấp phép xây dựng, khai khoáng… Việc khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài thường được thực hiện trên cơ sở các cam kết về đầu tư của Việt Nam, thường tập trung vào các cam kết như nghĩa vụ đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; đối xử công bằng và thỏa đáng; bảo hộ an toàn và đầy đủ…
Cần hạn chế số lượng các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế
Trước bối cảnh số lượng các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế ngày càng gia tăng và thực tiễn giải quyết tranh chấp thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định, ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết,cần phải quan tâm đến một số vấn đề nhằm hạn chế số lượng các vướng mắc, khiếu kiện và nâng cao chất lượng của công tác giải quyết vướng mắc, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể là, phải nâng cao phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, đặc biệt phải chú trọng công tác phòng ngừa tranh chấp, giải quyết tốt các vấn đề pháp lý trong hoạt động đầu tư nước ngoài ngay từ trong quá trình đăng ký đầu tư, thực hiện dự án cho đến giai đoạn giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giải quyết khi tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng ngừa, giải quyết các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư…
Khẳng định việc phòng ngừa, tranh chấp đầu tư quốc tế luôn được TP Hồ Chí Minh quan tâm, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số kiến nghị để góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế phối hợp, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Chẳng hạn như, cần thuê và sử dụng tư vấn luật sư ngay từ giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư; nghiên cứu xây dựng khung pháp lý để các cơ quan có trách nhiệm theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng sau khi được ký kết để đảm bảo xử lý các kịp thời các vấn đề nảy sinh, tránh phát sinh hiệu quả; cần đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng của đội ngũ cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước trong vấn đề theo dõi hợp đồng và xử lý vấn đề phát sinh…