Ngày 5/10, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực tế về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng di dời các hạ tầng kỹ thuật để phục vụ thi công Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành (thứ 2 bên phải qua) kiểm tra trên sơ đồ đối với các vị trí giải phóng mặt bằng đi qua địa phận huyện Gò Quao. |
Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 51,94 km đi qua huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) và các huyện Châu Thành, Gò Quao, Vĩnh Thuận (Kiên Giang), với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng (nguồn ngân sách nhà nước).
Từ ngày 6/3/2024 khởi công đến nay, nhà thầu thi công Dự án đường trên đã triển khai thi công một số vị trí trụ cầu giữa sông không bị vướng mặt bằng như cầu KH6 (mố M1, trụ T1, T2, T3), cầu Kênh Mương Lộ (trụ T5), cầu Cái Lớn (trụ T3 đến trụ T8, trụ T11 – T13 và mố M2), cầu Ngã Ba Cái Tàu (trụ T6, T7), cầu Chắc Băng (trụ T4, T5) và các đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) và huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
Sản lượng thực hiện của Dự án đến nay đạt được khoảng 9% giá trị hợp đồng, giá trị sản lượng thực hiện được chủ yếu tại các vị trí mố trụ cầu dưới sông không bị vướng mặt bằng thi công. Dự án cũng được bố trí 1.389 tỷ đồng và đã chuyển phần vốn GPMB (493,5 tỷ) về các chủ đầu tư tiểu Dự án GPMB theo đăng ký vốn năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành (thứ 7 từ bên trái qua) trao tặng quà cho công nhân đang thi công trên công trình. |
Dự án đặc biệt đã giải phóng mặt bằng được 33,88km/51,94km (tương đương khoảng 65%). Trong đó Kiên Giang bàn giao 28,42km/45,34km (tương đương 62%).
Theo đó, huyện Vĩnh Thuận (có chiều dài khoảng 12,05km, ảnh hưởng khoảng 431 hộ) đã phê duyệt phương án. Đến nay địa phương đã chi trả được được 267/366 trường hợp theo phương án phê duyệt, tương đương khoảng 10,57km. Huyện Gò Quao phê duyệt phương án đợt 1 đối với 286 hộ đồng thuận tương ứng 101 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,6km.
Còn huyện Châu Thành đã bàn giao mặt bằng cho Dự án nhưng vướng hạ tầng kỹ thuật nên chưa thể thi công được, ảnh hưởng khoảng 813 hộ và 5 tổ chức. Kiên Giang cũng đã di dời hạ tầng kỹ thuật, đường điện được khoảng 86/239 trụ. Kiên Giang đến nay có vốn bố trí 420,5/465,18 tỷ đồng và giải ngân được 242,85/420,5 tỷ đồng, đạt hơn 57%.
Phía tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt phương án cho 77 hộ dân (khoảng 5,47Km/6,6Km tương đương 72,998 tỷ đồng và tiến hành chi trả đạt 67/77 hộ dân tương đương 5,47Km đạt 82%. Còn lại 18% do đang thiếu nguồn vốn khoảng 39 tỷ đồng do vượt giá trị vốn.
“Ngay sau khi các vị trí được bàn giao mặt bằng thì Ban quản lý dự án đã chỉ đạo các nhà thầu, các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc, vận động thiết bị máy móc, nguồn nguyên vật liệu tiến hành làm ngay”, ông Võ Duy Hưng - Trưởng phòng Điều hành dự án 2, Dự án đường Hồ Chí Minh nói.
Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khảo sát thực tế dự án đường Hồ Chí Minh. |
Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá cao nỗ lực của Ban quản lý dự án và các huyện đã kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi công trình và làm tốt công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng, có giải gỡ khó chỗ vướng giải phóng mặt bằng. Nhận mặt bằng đến đâu, các đơn vị liên quan cần phải thi công đến đó, đẩy nhanh tiến làm Dự án đường Hồ Chí Minh.
“Công tác giải phóng mặt bằng phải đảm bảo quyền lợi người dân và khu vực dự án đi qua, đồng thời áp dụng giá bồi hoàn cao nhất có lợi cho dân”, ông Thành nhấn mạnh.