Hiện nay, thống kê cho thấy, trên địa bàn Quy Nhơn có 74 phương tiện thủy nội địa (Hải Cảng 55 chiếc, Nhơn Hải 14 chiếc, Nhơn Châu 5 chiếc) vận chuyển khách không đủ điều kiện để đăng kiểm, đăng ký phương tiện. Ngoài ra, địa bàn này còn có 47 mô tô nước (Nhơn Lý 33 chiếc, Nhơn Hải 12 chiếc, Nhơn Châu 2 chiếc); 43 nhà hàng nổi, bè nổi (Nhơn Lý 31 bè, Nhơn Hải 11, Hải Cảng 1 bè) không đủ điều kiện hoạt động.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa yêu cầu UBND TP Quy Nhơn đình chỉ hoạt động tất cả phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách không đủ điều kiện để đăng kiểm, đăng ký phương tiện; đình chỉ tất cả các nhà hàng, bè nổi, khu vực vui chơi dưới nước, các loại hình vui chơi dưới nước hoạt động trái phép; rà soát, yêu cầu phương tiện thủy nội địa phải hoạt động đúng vùng hoạt động được ghi trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cương quyết xử lý, đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm.
Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy Bình Định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. |
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn yêu cầu các chủ đầu tư dự án du lịch ven biển xây dựng bến thủy nội địa đủ điều kiện để cấp phép hoạt động theo đúng quy hoạch. Trước mắt, địa phương này cần quản lý chặt chẽ, chấm dứt các hoạt động giao thông đường thủy nội địa tự phát, đình chỉ hoạt động các bãi, điểm đón trả khách hoạt động trái phép ven biển.
Ngoài ra, ngành chức năng TP Quy Nhơn cần hướng dẫn, vận động các chủ phương tiện vận tải bằng đường thủy nội địa thành lập hoặc tham gia vào tổ chức kinh doanh vận tải thủy nội địa phù hợp, chấm dứt tình trạng các cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải bằng đường thủy nội địa tự phát trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề hoặc mua mới phương tiện đủ điều kiện để kinh doanh vận tải đường thủy nội địa theo quy định.
Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy Bình Định kiểm tra nồng độ cồn đối với người lái phương tiện thủy nội địa. |
Hiện tại, 2 tuyến đường thủy nội địa Quy Nhơn - Nhơn Châu và Hàm Tử - Hải Minh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân hằng ngày nhưng tất cả các phương tiện đang hoạt động không đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để đăng kiểm, đăng ký. Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động vận tải thấp, không đủ chi phí, người dân không đủ khả năng mua mới phương tiện đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Do vậy, chính quyền địa phương cần đề xuất phương án mua phương tiện mới và tổ chức mô hình quản lý hoạt động phù hợp để phục vụ dân sinh.
Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Vang - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý phương tiện vận tải hành khách trên các tuyến Quy Nhơn - Nhơn Châu, Hàm Tử - Hải Minh.
“Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy cũng chủ động phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 4 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam), Thanh tra giao thông (thuộc Sở Giao thông vận tỉnh Bình Định) thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với địa phương để xử lý nghiêm các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm. Ngành chức năng kiên quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và các bến, bãi đón, trả khách không phép”, Thượng tá Vang cho biết.