Với gần 70 hoạt động cấp cao và các cấp được thực hiện tại hai nước, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ tiếp tục triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị; thúc đẩy quan hệ hợp tác của QH nước ta với QH hai nước; tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị Việt Nam - Bangladesh, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bulgaria; ghi dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác nghị viện thông qua việc QH ta và QH hai nước, Văn phòng QH ta và Ban Thư ký QH hai nước ký Bản ghi nhớ hợp tác, tạo cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động hợp tác thường xuyên và thực chất hơn giữa cơ quan lập pháp hai nước, nâng tầm quan hệ nghị viện để thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Tại Bangladesh, Chủ tịch QH và các nhà lãnh đạo Bangladesh đánh giá quan hệ hai nước có nền tảng vững chắc là sự tin cậy lẫn nhau, tình cảm gắn bó, thân thiết giữa nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước; có nhiều tiềm năng hợp tác có thể bổ sung và hỗ trợ cho nhau; đánh giá quan hệ hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác triệt để.
Trên tinh thần đó, hai bên đã thảo luận và nhất trí một số định hướng lớn nhằm đưa quan hệ hợp tác hai nước lên một tầm cao mới như nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp và các kênh Nhà nước, Chính phủ và QH cũng như giao lưu nhân dân; thúc đẩy triển khai các cơ chế song phương, nhất là Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai Chủ tịch QH đã ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên giữa QH Việt Nam và QH Bangladesh nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai QH thường xuyên và thực chất hơn nữa, góp phần thúc đẩy và mở rộng quan hệ hai nước. Văn phòng QH và Ban Thư ký QH Bangladesh cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên, cụ thể hóa, triển khai ngay các nội dung Bản ghi nhớ hợp tác giữa QH hai nước.
Tại Bulgaria, Chủ tịch QH và các nhà lãnh đạo Bulgaria đều khẳng định quyết tâm nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững thông qua việc tạo điều kiện để hàng hóa hai nước tiếp cận thị trường của nhau. Việt Nam có thể là cầu nối để Bulgaria thâm nhập thị trường ASEAN và ngược lại, Bulgaria là cửa ngõ để Việt Nam vào thị trường châu Âu cũng như các nước vùng Balkan. Hai bên nhất trí làm mới các lĩnh vực hợp tác truyền thống như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dược phẩm..., đồng thời mở ra những lĩnh vực hợp tác mới đầy tiềm năng như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng công bằng...
Hai bên nhất trí sớm tiến hành Khóa họp 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Bulgaria ngay trong năm 2023 để rà soát, thống nhất các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước. Khuyến khích thành lập liên doanh sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang nước thứ 3, tận dụng chất xám, công nghệ của Bulgaria và nguồn lao động dồi dào của Việt Nam...
Chủ tịch QH và các nhà lãnh đạo Bulgaria cũng nhất trí phát triển hài hòa hợp tác kinh tế thương mại với hợp tác về giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, địa phương và giao lưu nhân dân trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác đã ký kết. Đặc biệt, Bulgaria vừa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) ngay trước thềm chuyến thăm nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới vì lợi ích thiết thực của người dân hai nước...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu