Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Thị Kim Ngân; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phố.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Nghị quyết thành lập thành phố Chí Linh cho lãnh đạo thành phố. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Về phía tỉnh Hải Dương gồm có các ông: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Chí Linh qua các thời kỳ…
Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới lãnh đạo thành phố Chí Linh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Cờ thi đua của Chính phủ cho nhân dân và cán bộ thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2018 của tỉnh Hải Dương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao cờ thi đua cho TP Chí Linh |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Chí Linh cho biết về quá trình xây dựng và phát triển TP Chí Linh. Theo đó, từ thời kháng chiến chống Pháp, Chí Linh vốn thuộc liên tỉnh Quảng Hồng (gồm tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai). Đến ngày 22/2/1955, Chí Linh chính thức trở thành một huyện của tỉnh Hải Dương.
Nơi đây nổi tiếng bởi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh như: khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, khu di tích danh thắng Phượng Hoàng, khu danh thắng chùa Thanh Mai… Đặc biệt các di tích này đều gắn liền với tên tuổi của các bậc danh nhân nổi tiếng trong lịch sử như Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ… Các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng nổi tiếng đã góp phần giúp Chí Linh phát triển ngành du lịch, dịch vụ.
Nắm bắt được lợi thế trên, những năm qua, Chí Linh đã luôn tích cực huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng quán dịch vụ tại các di tích do địa phương quản lý. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, liên kết xây dựng các tour tuyến để hút khách du lịch để đưa Chí Linh phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội như ngày nay.
Lễ công bố thành lập TP Chí Linh |
Cùng sự phấn đấu không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân địa phương, ngày 12/2/2010, Thị xã Chí Linh đã được thành lập. Suốt từ đó đến nay, nhân dân Chí Linh đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu to lớn, vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Với thu nhập bình quân đầu người năm 2018 trên 75 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng/năm… Ngoài ra Chí Linh cũng là một trong hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.
Ông Bản cũng cho biết, với những thành tích đạt được, vào ngày 10/1/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH14 về việc nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường và thành lập TP Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2019.
Ông Lưu Văn Bản, Bí thư Thành ủy Chí Linh phát biểu tại buổi lễ |
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Chí Linh khẳng định việc được công nhận thành phố là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương đối với sự cố gắng của nhân dân Chí Linh trong thời gian qua. Chí Linh sẽ phấn đấu để ngày một phát triển lên một tầm cao mới.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã Kênh Giang vào Văn Đức; thành lập các phường: An Lạc, Cổ Thành, Đồng Lạc, Hoàng Tiến, Tân Dân, Văn Đức và thành lập TP Chí Linh.
TP Chí Linh có vị trí nằm giữa trung tâm tam giác kinh tế nối liền Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đây được coi là vùng kinh tế trong điểm Bắc Bộ và chuỗi đô thị hành lang kinh tế công nghiệp – dịch vụ, du lịch Bắc Ninh – Chí Linh – Đông Triều – Uông Bí – Hạ Long – Móng Cái.
Từ một huyện miền núi, lấy sản xuất nông nghiệp là chính, Chí Linh đã không ngừng vươn lên, phát triển vượt bậc. Trong đó, công tác về quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế, xã hội đã hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ có ích cho nhân dân.
Sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển ổn định, vững chắc cùng công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân được hết sức coi trọng. Hiện nay, Chí Linh đang dẫn đầu trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, văn hóa; hoàn thành xây dựng trường chuẩn quốc gia, 100% xã, phường đạt chuẩn về y tế, 94% số thôn, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa…
Với tiềm năng và lợi thế của mình, trong chiến lực phát triển kinh tế tỉnh Hải Dương, TP Chí Linh đang ngày càng khẳng định được vai trò và tầm quan trọng trong việc phát triển văn hóa – du lịch và công nghiệp của tỉnh Hải Dương, giữ vững vị trí chiến lực quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.