Theo ông Tuấn, C9 là một trong mười ga của giai đoạn một tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đã được xác định trong quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải thủ đô. Các quy hoạch này đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Giả thiết không đặt ga C9 ở đây thì tuyến phải dịch chuyển. Mà tuyến dịch chuyển thì ảnh hưởng tới cả tuyến chạy từ thành phố Hà Nội cũ đến thành phố Hà Nội mở rộng với các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, hiện có hai quan điểm trái chiều về vị trí đặt ga C9. Cụ thể, có quan điểm cho rằng, việc xây dựng nhà ga ở đây ảnh hưởng đến không gian của hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Nhưng cũng có quan điểm chỉ ra, hồ Gươm là nơi hội tụ, vì vậy cần một không gian ngầm để đưa người vào/ra hiệu quả, phát huy giá trị cộng đồng, giá trị di tích.
Trước ý kiến các chuyên gia đề nghị nên dịch chuyển ga sang khu vực khác, ông Tuấn cho là bất khả thi bởi mô hình công thức của tuyến đường sắt đô thị còn phụ thuộc vào bán kính phục vụ của ga.
“Một ga C9 phục vụ hành khách trong bán kính 500m. Do vậy, đưa nhà ga ra khu vực khác là bất khả thi trong tổ hợp cấu trúc của 10 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó có 8 tuyến chủ đạo, 2 tuyến nhánh”, ông Tuấn giải thích.
Cũng theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thuận đặt ga C9 ở vị trí này. Bộ chỉ nêu khuyến cáo nhỏ là dịch chuyển ga ngầm vào khoảng 15-20m về phía trụ sở công ty điện lực Hà Nội để tránh phạm vào ranh giới di tích quốc gia (tính từ mép vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng chiếu xuống). Khuyến cáo của Bộ Văn hóa cũng để tránh khả năng việc xây dựng ga ảnh hưởng tới Tháp Bút”, ông Tuấn nói thêm.