Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với TASS trước chuyến công du châu Âu đầu tiên tại Thụy Sĩ và Nga, Chủ tịch Nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự định sẽ thảo luận về chiến lược vun đắp mối quan hệ giữa hai nước với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Moscow.
"Tại cuộc hội đàm sắp tới, cùng với Tổng thống Putin, chúng tôi sẽ đánh giá kết quả phát triển quan hệ hai nước thời gian qua cũng như thảo luận về các vấn đề cấp bách hiện nay và điều phối các định hướng hợp tác chiến lược", TASS dẫn lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
TASS cho biết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý rằng cả hai nhà lãnh đạo dự định sẽ thảo luận về các biện pháp loại bỏ những trở ngại hiện có trên con đường phát triển kết nối liên chính phủ và sẽ xem xét các bước tiếp theo nhằm thúc đẩy quan hệ tương tác giữa Việt Nam và Nga trên tất cả các hướng chính nhằm hợp tác giữa hai nước mang lại những kết quả ấn tượng hơn nữa trong khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đạt được những đỉnh cao mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, năng lượng, quốc phòng và an ninh, giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác.
Theo Chủ tịch nước Việt Nam, một chủ đề quan trọng khác mà cả hai nước đều đặc biệt quan tâm, đó là thúc đẩy nối lại các liên kết giao thông, các chuyến đi lẫn nhau và quan hệ kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch.
“Chúng tôi sẽ kích hoạt sự tương tác theo các hướng này và tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc xuất hiện trên con đường này một cách kịp thời”, lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh trong bài trả lời phóng vấn của TASS.
"Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm trước. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, kim ngạch thương mại tăng 4,6%. Thương mại song phương dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ USD vào cuối năm trong năm, đưa mức tăng lên 14%", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông tin.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với TASS, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế của cả hai nước. Điều đó cho thấy, quan hệ thương mại hai nước tiếp tục thể hiện tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Chủ tịch nước Việt Nam cũng nhấn mạnh mong muốn hợp tác với Nga trong việc sản xuất chung vaccine phòng COVID-19.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á cấp phép loại vaccine chống virus corona Sputnik V của Nga và là quốc gia đầu tiên trong khu vực bắt đầu sản xuất vaccine này. TASS cho biết, Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Việt Nam đánh giá cao việc Nga là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển và sản xuất thành công vaccine COVID-19 và bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh COVID-19".
Chủ tịch nước Việt Nam cho biết, lô vaccine Sputnik V đầu tiên bao gồm gần 740.000 liều đã được chính thức chuyển giao cho phía Việt Nam vào cuối tháng 9. Đồng thời, Công ty dược phẩm Vabiotech (Việt Nam) bắt đầu cung cấp 1 triệu liều vaccine Sputnik V đầu tiên, tạo điều kiện cho "giới doanh nghiệp hai nước có thể bắt đầu triển khai các dự án quy mô lớn về sản xuất tại Việt Nam vaccine và thuốc điều trị COVID-19 của Nga".
Chính phủ, cơ quan, tổ chức của Việt Nam đã gửi các mặt hàng và vật tư y tế đến Nga như một món quà để "chia sẻ gánh nặng của đại dịch với những người bạn Nga [của chúng tôi]".
"Về phần mình, chúng tôi rất cảm ơn những người bạn Nga đã có sự hỗ trợ quý báu và kịp thời, cung cấp vaccine Sputnik V và các vật dụng y tế để phòng chống bệnh COVID-19. Chúng tôi thực sự trân trọng sự giúp đỡ này", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong bài phỏng vấn với TASS.
"Hà Nội và Moscow tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đồng thời thể hiện sự hợp tác hiệu quả trên mặt trận này", Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói với TASS.
Theo nhà lãnh đạo Việt Nam, đại dịch đang diễn biến theo chiều hướng khó lường với những biến thể và chủng loại mới đang xuất hiện. Tất cả những điều này vẫn là một mối đe dọa có tác động mạnh mẽ, sâu rộng và bất lợi đối với tất cả các quốc gia. Ông Nguyễn Xuân Phúc lưu ý rằng kể từ khi đại dịch bùng phát, Việt Nam và Nga đã và đang giúp đỡ lẫn nhau thông qua các bước cụ thể, "phản ánh quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện" của cả hai nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết luận: “Tất cả những điều này minh chứng cho mức độ tin cậy cao trong quan hệ giữa Việt Nam và Nga và là một ví dụ về sự hợp tác chung hiệu quả giữa các chính phủ giữa đại dịch”.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh - Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2021 cho biết, "Tôi kỳ vọng chuyến thăm sẽ tăng cường quan hệ hợp tác trong mọi lĩnh vực. Về mặt chính trị, chuyến thăm sẽ tiếp tục sự tin cậy chính trị, tiếp tục sự tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Ngô Đức Mạnh được Nhà nước Liên bang Nga trao Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp to lớn của ông thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước (sự kiện ngày 6/4/2021, tại Bộ Ngoại giao Liên bang Nga). Ảnh: TTXVN |
Về thương mại - đầu tư, tôi kỳ vọng sẽ có bước đột phá. Hợp tác thương mại hai nước vẫn tăng ấn tượng: trong năm 2020 tăng hơn 15%, trao đổi thương mại hai nước đạt 5,7 tỉ USD. Trong 9 tháng đầu năm nay cũng phát triển tích cực, tăng gần 5%.
Lĩnh vực sản xuất vaccine cũng là chủ đề mà hai bên quan tâm, nhất là khôi phục đi lại công dân, phát triển kinh tế hậu COVID-19. Sản xuất vaccine cũng là lĩnh vực thể hiện sự hợp tác giữa hai nước.
Thời gian qua, hai nước đã kịp thời chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19, Việt Nam cũng đã nhận được vaccine Sputnik V của Nga, hợp tác sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Lớn hơn nữa là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ giữa hai nước cũng đang phát triển. Nga đang hỗ trợ giúp Việt Nam xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân để sử dụng năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp. Đó là lĩnh vực rất có tiềm năng giữa hai bên.
Ngoài ra, hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống như dầu khí, quốc phòng, an ninh, giao lưu nhân dân, giáo dục, đào tạo đều có thể được bàn thảo trong chuyến thăm. Đặc biệt, dầu khí cũng là một lĩnh vực hợp tác truyền thống có tính chiến lược, là vấn đề trụ cột trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Nhiều tập đoàn lớn của Nga như Gazprom, Rosneft đã có mặt ở Việt Nam để khai thác thăm dò dầu khí. Tôi kỳ vọng trong lĩnh vực này hai bên sẽ có nhiều dự án hợp tác mới để đóng góp cho sự phát triển của mỗi nước". (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)