Văn kiện Đại hội lần này có nhiều nội dung được quan tâm rõ như: Thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới, đặc biệt là phụ nữ tham chính, các vấn đề về an sinh xã hội, trong đó có đối tượng phụ nữ như phụ nữ di cư, phụ nữ nông thôn…, hay nội dung về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bà Hà Thị Nga nhận xét, một trong những khâu đột phá chiến lược được Đại hội XIII đặt ra chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực nữ để tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới và giai đoạn dài hơn.
“Với Đại hội lần này, tôi cho rằng cơ hội và điều kiện của phụ nữ đã được xác định rõ, vấn đề là làm sao để phụ nữ phát huy được vai trò thông qua việc tham gia vào các vấn đề của đất nước trong đề xuất chính sách đối với phụ nữ ở các lĩnh vực đặc thù.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của cán bộ Hội phụ nữ, chúng tôi mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền sẽ dành sự quan tâm thỏa đáng hơn nữa để phụ nữ được tiếp cận kiến thức, từ giáo dục phổ thông đến các cấp học cao hơn, đặc biệt là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ để làm sao cán bộ nữ có các yếu tố cần và đủ để họ vững vàng tham chính, cống hiến tốt nhất tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của mình cho sự phát triển đất nước trong thời gian sắp tới” – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói.
Đề cập đến vai trò tham chính của phụ nữ, bà Hà Thị Nga nhấn mạnh, một trong những cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới là nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính. Tuy nhiên trong thực tế tỷ lệ này chưa đạt được kỳ vọng. Họ còn gặp khó khăn và rào cản về định kiến giới, sự quan tâm chia sẻ của đồng nghiệp, của người quản lý trực tiếp. Phụ nữ được tạo điều kiện để đào tạo, dạy nghề cũng còn nhiều hạn chế hơn so với nam giới. Một thách thức nữa đối với phụ nữ là phải làm tròn hai vai, vừa là vợ, là mẹ, vừa phải hoàn thành tốt công việc quản lý, chuyên môn.
Trong văn kiện Đại hội có một mục nói về vai trò của phụ nữ, trong đó có nội dung xây dựng người phụ nữ hiện đại, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập hiện nay. Theo bà Hà Thị Nga, đây là một trong cơ hội mà phụ nữ phải nắm lấy, chúng ta phải vừa cân đối hài hòa giữa việc thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ và quỹ thời gian để đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thành hai vai.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, phụ nữ cần nhận được chia sẻ từ gia đình, từ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, người sử dụng lao động… để họ có điều kiện, cơ hội phát huy tốt vai trò, đồng nghĩa với việc thực hiện tốt cam kết về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian tới.
“Mong muốn của chúng tôi là phụ nữ được quan tâm nhiều hơn để có thêm các dịch vụ công, qua đó giúp họ giảm bớt áp lực về gánh nặng gia đình, có điều kiện tham gia các khóa đào tạo, củng cố kiến thức, có thêm kỹ năng tốt hơn trong việc có điều kiện tham chính tốt.
Bên cạnh sự nỗ lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi hi vọng nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp và tổ chức quốc tế trong việc tạo thêm điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tiếp thục hoàn thiện kỹ năng, tự tin thực hiện nhiệm vụ và có cơ hội tham chính tốt hơn” - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ
Tại Đại hội XIII, bà Hà Thị Nga mong muốn Đại hội lần này sẽ tiếp tục quan tâm và sáng suốt lựa chọn Ban chấp hành Trung ương khóa mới đủ điều kiện, sức mạnh để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sắp tới. Đặc biệt, các đại biểu quan tâm để tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương khóa này được tăng lên, đạt được tỷ lệ như mong muốn.