Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần thực hiện giá mua điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng (2- 4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước, tránh tình trạng mất cân đối, nơi thì tập trung nhiều dự án, nơi không có doanh nghiệp đầu tư, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
Làm rõ hơn về sự chưa hợp lý trong đề xuất của Bộ Công Thương, ông Trần Viết Ngãi lý giải, cường độ bức xạ của Việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng, các tỉnh miền Bắc có mức bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 kwh/m2/ngày, trong khí các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có bức xạ bình quân lên đến 4,8- 5,1kwh/m2/ngày (gấp gần 1,4 lần); dẫn đến các dự án điện mặt trời nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
Văn bản đề xuất, kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam |
Cùng với đó, giá điện mặt trời phải dựa vào 2 yếu tố, yếu tố thứ nhất là bức xạ mặt trời của từng vùng miền là khác nhau. Yếu tố thứ 2 là lượng mặt trời bức xạ được trong ngày, trong tháng, trong năm, thế nên thời gian tính bức xạ cũng khác nhau. Dựa trên cơ sở các tiêu chí về bức xạ mặt trời, thời gian mặt trời trong ngày, tháng, năm, nếu áp dụng chung một mức giá thì không hợp lý, nảy sinh nhiều bất cập, nhất là không khuyến khích được phát triển các dự án điện mặt trời.
Ông Ngãi cũng cho biết, nơi nào hiệu ứng mặt trời, thời gian mặt trời ít hơn thì giá điện mặt trời phải cao hơn, sẽ khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào dự án nơi này. Cùng với đó,việc phân bổ được hệ thống đầu tư vào năng lượng tái tạo đi đôi với hệ thống truyền tải, kết nối lưới điện để phân bố dòng điện đi hợp lý hơn. Nếu dồn một giá thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư hết vào miền Nam và miền Trung, còn miền Bắc chẳng doanh nghiệp nào muốn đầu tư cả (vì miền Trung từ Đà Nẵng trở ra, cao nhất chỉ 3,8 kwh/m2/ngày, từ Đà Nẵng trở vào cao nhất có thể lên tới 5,5 kwh/m2/ ngày). Điều này dẫn tới nơi mật độ đầu tư dự án quá dày, nơi không có dự án, tạo bất cập, thiếu cân bằng trong phân bổ dự án.
Ảnh minh họa điện năng lượng mặt trời |
Dẫn chứng thực tế, ông Ngãi cho biết, miền Bắc có bức xạ mặt trời thấp nhất nhưng về mùa hè nắng nóng kinh khủng, tận dụng những tháng nóng này để phát triển điện mặt trời rất tốt. Quan trọng là muốn phát triển dự án điện mặt trời ở miền Bắc phải có mức giá mua điện thế nào cho hợp lý. Không thể đánh đồng một giá chung giữa miền Bắc với các vùng được.
Ngoài ra, ông Ngãi cho rằng, việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong việc tích hợp nguồn điện mặt trời với các loại hình nhà máy điện khác trong khu vực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Do vậy, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định, cần chia ra nhiều giá phù hợp với các vùng, miền: nơi nào bức xạ cao hơn, thời lượng nhiều hơn, giá cần thấp hơn, còn ngược lại, những nơi bức xạ thấp hơn, thời lượng ít hơn thì giá phải cao hơn. Nhiều quốc gia phát triển cũng áp dụng giá mua điện mặt trời theo nhiều vùng trên cơ sở bức xạ mặt trời, lưu lượng mặt trời trong ngày, tháng, năm, chúng ta nên áp dụng như vậy vì họ đã tính toán rất kỹ.
Cũng liên quan đến vấn đề áp chung một giá mua điện mặt trời, qua trao đổi, đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy điện đều khẳng định, đề xuất mức giá chung các vùng là không hợp lý, không phát huy được hết nguồn tài nguyên, thế mạnh của đất nước, đặc biệt là thiếu công bằng với các nhà đầu tư.
Đại diện cách doanh nghiệp này cho rằng, Bộ Công Thương nên kiến nghị Chính phủ giữ nguyên phương án chia các vùng phát triển điện mặt trời với các mức giá tương ứng loại hình đầu tư (điện mặt trời mặt đất, áp mái, nổi...) nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Nếu các dự án điện mặt trời vẫn lặp lại tồn tại là tập trung nhiều ở các khu vực bức xạ tốt (Bình Thuận, Ninh Thuận...), gây nguy cơ quá tải lưới truyền và khả năng vận hành điều độ hệ thống sẽ khó khăn hơn. Hiện các đường truyền tải của phía Bắc vẫn còn dư thừa năng lực vận tải, chưa sử dụng hết công suất nên các dự án điện mặt trời ở phía Bắc sẽ tận dụng được tối đa, không lãng phí để truyển tải.
Được biết, phương án một giá điện mặt trời, chính Bộ Công Thương cũng đánh giá khó khuyến khích phát triển tại miền Bắc, miền Trung, chưa kể việc tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại khu vực bức xạ tốt dẫn tới nguy cơ quá tải lưới truyền tải. Hiện nhiều Nhà máy điện mặt trời ở khu vực miền Trung chỉ phát được 50% công suất, gây lãng phí./.