Sống dậy thương hiệu “vang bóng một thời”
Trong suy tưởng của ông Thuấn, bánh Bảo Ngọc - thương hiệu rất quen thuộc, gần gũi với người dân Hà Thành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hình ảnh người Hà Nội phải xếp hàng để mua bánh tươi của Bảo Ngọc, thậm chí khi lượng bánh không đủ bán, nhiều người chấp nhận ngồi uống nước để đợi mua mẻ bánh mới.
Thời đó, mong ước có được chiếc bánh Bảo Ngọc để thưởng thức đi theo ông Thuấn suốt quãng đời sinh viên và đến nay vẫn còn là một hoài niệm đẹp, đồng thời, đó như là duyên tiền định, để sau này ông đặt niềm tin và có động lực bắt tay vào việc xây dựng lại thương hiệu bánh Bảo Ngọc, đang thoái trào vì không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, tiền thân, ông Thuấn khởi nghiệp và thành công với ngành công nghiệp phụ trợ nên khi nghe ý tưởng, không ít đồng nghiệp đặt nghi vấn việc “phá khung” dấn thân vào kinh doanh thực phẩm liệu có quá mạo hiểm? Phần lớn đều đánh giá đây là một ý tưởng có phần “hoang tưởng”.
Nhưng không, bằng nhãn quan của người làm kinh tế, trong chiến lược kinh doanh ông đã có hướng đi với ngành công nghiệp thực phẩm vốn rất tiềm năng, trước hết, duyên đến với Bảo Ngọc vì ông muốn làm sống lại một thương hiệu từng “đẹp không tỳ vết”, chiếm trọn tình cảm, làm nức lòng bao thực khách Hà thành trước kia.
Nhưng ông Lê Đức Thuấn quả quyết: “Đây là cơ hội để giới thiệu thương hiệu bánh Bảo Ngọc, một nét tinh tế văn hóa ẩm thực Hà thành”.
Hơn nữa, kinh nghiệm học tập ở nhiều quốc gia, trong đa ngành, đặc biệt từ những người bạn Nhật Bản họ vẫn giữ được rất nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà không phai nhạt, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến tầm nhìn sau này khi ông áp dụng vào việc phát triển thương hiệu bánh Bảo Ngọc, đó là hiện đại gắn liền với truyền thống.
Có quyết tâm và niềm tin nên ông Thuấn đã làm sống lại thương hiệu Bảo Ngọc bằng cách thay đổi mẫu mã, hình thức và cả hệ thống quản trị hiện đại, khoa học nên đã nhanh chóng thu được thành công từ những ngày đầu.
Thương hiệu Bảo Ngọc |
Thay vì kiểm soát chất lượng bằng tay, bằng mắt và lệ thuộc vào một cá nhân nghệ nhân nào đó thì nay là cả hệ thống tự động hóa theo dây truyền và công nghệ hiện đại vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa không lệch được hương vị truyền thống vốn có đã định vị sẵn cho sản phẩm.
Vậy là nhờ vào tầm nhìn chiến lược, duyên nghiệp từ những hoài niệm từ thời trẻ đã đưa ông Thuấn từng bước gặt hái được thành công, sống lại thương hiệu “vang bóng một thời” đúng với tầm vóc, từ khoảng 10 cửa hàng truyền thống, nay đã đủ sức cạnh tranh với hơn 10.000 điểm bán hàng, tầm nhìn 2020 sẽ là 30.000 điểm trên khắp cả nước, trong những chuỗi phân phối hiện đại nhất.
Trong tương lai, Bảo Ngọc sẽ còn tiếp tục hướng tới việc phát triển thêm nhiều hương hiệu có nguyên liệu và nông sản Việt.
Học cách chia sẻ
Tuy nhiên, không phải doanh nhân nào cũng có thể thành công trong việc tái tạo và xây dựng thương hiệu cổ truyền thuần Việt, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm vốn rất nhạy cảm với người tiêu dùng.
Câu chuyện của ông Thuấn muốn gửi thông điệp đó là thành công ngoài kỹ năng… thì cần nhất với các doanh nghiệp trẻ là sự chia sẻ, đây là cái không thấy ở những làng nghề cổ truyền, đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều thương hiệu Việt dần bị lãng quên, hoặc mãi không chịu lớn.
Các làng nghề không phát triển vì cái tôi lớn, không chia sẻ, thay đổi tư duy và hệ thống quản lý để có thêm thành công. Hoặc tâm lý an phận dẫn đến không có tầm nhìn phát triển thương hiệu nên tốc độ đầu tư không khớp với sự tăng trưởng.
Câu chuyện một thương hiệu bánh cổ truyền rất nổi tiếng ở đường Thụy Khuê, Hà Nội là ví dụ điển hình, người mua có thể xếp hàng dài chờ mua bánh, nhưng nhiều năm liền không mở rộng và phát triển thêm. Nhưng so sánh với Bảo Ngọc, ông Thuấn cho rằng thương hiệu bánh kia đã thực sự tụt hậu so với đà phát triển nhanh chóng của Bảo Ngọc.
Một vấn đề khác, từ câu chuyện thành công của Bảo Ngọc, ông Thuấn cho rằng, ngoài việc phải chia sẻ cho các nhà đầu tư, thay đổi tư duy trong quản lý, quản trị thì quan trọng hơn là để có thành công cần phải có chiếc lược tốt về vốn, để không thể hụt hơi trong quá trình phát triển thương hiệu.
Cuối cùng, “không bao giờ lùi bước, chỉ có con đường này hoặc con đường khác, kiên trì cấp số nhân, không vội được, không thể là vài hoạt động truyền thông giới thiệu, phải để khách hàng quen thuộc, cảm nhận được” cũng là một bí quyết dẫn đến sự thành công của Bảo Ngọc, ông Thuấn chia sẻ.