Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: “Nguy hiểm nhất là không có tranh luận”

Chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết
Chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết
(PLO) - Mới gặp Trịnh văn Quyết lần đầu, với lối nói chuyện chừng mực, nhẹ nhàng, người ta có cảm giác anh hợp với nghề thầy giáo hơn là một doanh nhân. Nhưng khi đụng đến những vấn đề còn khúc mắc, còn tranh luận, lại rõ ra sự quyết liệt của một luật sư đã nhiều năm “chinh chiến”.
Tuy nhiên, cái mà chúng tôi muốn tìm hiểu lại là “con người doanh nhân” trong vị Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC này...
Cuộc trò chuyện cuối năm với tiến sỹ, luật sư, doanh nhân Trịnh Văn Quyết diễn ra khá thoải mái, dù rất hay “bị làm phiền” bởi khách khứa, nhân viên ra vào nườm nượp.
Mặc dù ý định của người viết trong cuộc gặp này là đi tìm một vài chân dung doanh nhân trong làng bất động sản, trong đó có Chủ tịch FLC vẫn “sống ổn” trước những bầm dập của thị trường năm qua, nhưng ngay từ đầu, ông Quyết đã “khoanh vùng” phóng viên khi khẳng định, không thích nói về chuyện riêng của Công ty, cũng như chuyện cá nhân hay gia đình.
“Hãy trao đổi về những câu chuyện thị trường. Chuyện của FLC thì rất đơn giản, 2013 là giai đoạn chuẩn bị nội lực cho những trận đánh lớn sắp tới. Còn chuyện gia đình, cá nhân thì xin phép…”, ông Quyết rành mạch.
Nhưng FLC năm qua cũng có nhiều bước ngoặt lớn, chứ đâu chỉ có “náu mình chờ thời”. Từ việc mua đứt Dự án Alaska Garden City gần 8 héc-ta có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng ở Đại Mỗ, Từ Liêm, rồi cuộc “thiên di” cổ phiếu FLC từ sàn Hà Nội vào đất Phương Nam… Tất cả đều tốn nhiều giấy mực của báo giới!
Xin hỏi, từ một luật sư, cơ duyên nào đã đưa ông đến với bất động sản và khi mọi người đã “ngán đến cổ” thì ông lại có vẻ đang tăng tốc?  
- Đây vừa là cơ duyên, nhưng trước hết phải nói là cơ hội. Là luật sư, tôi có quen một số khách hàng kinh doanh bất động sản khá lớn tại Hà Nội. Làm tốt rồi, khách hàng lại giới thiệu khách hàng, tư vấn riết rồi thành chuyên về lĩnh vực này. Mình biết thủ tục, hiểu cách làm, rồi lại thấy cơ hội kinh doanh ở đây. Cứ thế mở rộng sang mảng hoạt động này.
Sau khi làm thành công một số dự án, tôi lại càng thấy cơ hội nhiều. Không chỉ vậy, giờ tôi lại tìm thấy ý nghĩa “nghề” ở đây. Thời gian rồi, thị trường gặp khó khăn rất lớn, tôi vẫn kiên định theo đuổi và có thể nói đến thời điểm này, chúng tôi đang đi đúng hướng.
Ông cho rằng thị trường bất động sản đã qua đáy. Nhưng đọc trên báo chí thì chả thấy đáy ở đâu, toàn thấy những từ “đóng băng”, “bất động…” tràn ngập?
- Nói thật các bạn đừng giận. Nhiều người trong số các phóng viên không hiểu về thị trường bất động sản lắm đâu. Các bạn nhìn và viết theo kiểu ở trên nhìn xuống và phán xét. Như vậy thì không có lợi cho ai cả, kể cả cho chính các nhà báo hay rộng ra là cả nền kinh tế.
Tôi thì thấy đã có căn cứ để bất động sản bứt lên dựa vào những chuyển động nội tại của nó. Thứ nhất là giao dịch đã trở lại. Điều này có nghĩa là cung đã gặp được cầu. Giá đã xuống mức được thị trường chấp nhận. Đây là dấu hiệu rất quan trọng.
Thứ hai là giá bán đã giảm đến mức giá thành hiện tại. Nói cách khác, nếu giá xuống thấp hơn mức giá hiện nay thì làm không có lãi và do vậy sẽ không còn thêm cung nữa. 
Theo kinh nghiệm thực tế của ông, một dự án bất động sản cần phải có những tiêu chí nào để đảm bảo độ hấp dẫn, khả năng thành công, nhất là trong giai đoạn hiện nay?
- Theo tôi, mỗi loại dự án bất động sản khác nhau cần đáp ứng các tiêu chí khác nhau để tạo sức hấp dẫn đối với người mua. Tôi lấy ví dụ như đối với dự án nhà ở thu nhập thấp. Tiêu chí hàng đầu đối với dự án loại này là giá cả. Người mua nhà thực sự là những người có thu nhập thấp, quan tâm của họ trước hết phải là giá, sau mới là thiết kế. Đối với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng thì mức giá chưa chắc đã bằng tiêu chí về địa điểm, thiết kế và các tiện ích.
Đối với FLC, chúng tôi luôn hướng tới bốn tiêu chí cho tất cả các dự án: Giá hợp lý nhất, thiết kế đẹp và hữu ích nhất, chất lượng xây dựng tốt nhất, dịch vụ chăm sóc trước và sau bàn giao nhà chu đáo nhất. Sản phẩm đưa ra cho thị trường phải làm sao làm người mua hài lòng cả bốn phương diện này.
Là một doanh nhân, đồng thời là một luật sư đã nhiều lần thể hiện quan điểm về các vấn đề nóng trong xã hội, ông bình luận như thế nào về những tranh cãi triền miên trong làng bất động sản năm qua?
- Tôi luôn cho rằng, tranh luận là rất tốt. Chỉ qua tranh luận, ý tưởng mới nảy sinh và được gọt giũa. Bản thân người đứng ngoài cuộc tranh luận đó cũng được lợi. Họ sẽ được nghe thông tin, quan điểm và góc nhìn đa chiều. Người làm chính sách sẽ đón nhận được phản biện của người khác, tránh những cái nhìn độc đoán, áp đặt.
Nguy hiểm nhất là không có tranh luận, chỉ thông tin, quan điểm một chiều. 
Vậy còn những khiếu kiện giữa chủ đầu tư và khách hàng bùng nổ trong năm qua, từ khúc mắc đo diện tích căn hộ, tranh chấp điều khoản hợp đồng đến những sự việc rất nhỏ kiểu cốt nền thấp hơn cam kết 2 - 3 cm như tại Dự án Splendora cũng phải đem nhau ra tòa. Có phải lúc xấu trời, người ta khó tính với nhau hay là do hệ lụy của một giai đoạn "nhắm mắt ký bừa" mà không tham vấn luật sư trước đó?
- Khởi kiện lại là câu chuyện khác. Nó thể hiện trình độ, đòi hỏi của người mua nhà cao hơn. Điều này cũng hết sức cần thiết cho Việt Nam nói chung và các DN bất động sản nói riêng. Như bạn biết đấy, sự khó tính của người tiêu dùng Nhật Bản cũng là một nguyên nhân thành công của nước Nhật.
Ý của bạn nói về việc không tham vấn luật sư cũng có cái đúng. Giai đoạn cứ mua là thắng làm cho người mua nhà quên đi việc phải đọc kỹ hợp đồng để phát hiện rủi ro. Giờ thấy bị hớ với chủ đầu tư nên họ đi kiện là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Với tôi, đây là hiện tượng hết sức bình thường. Các chủ đầu tư cũng phải nhìn đó mà lấy làm kinh nghiệm. Không chỉ phải làm chặt chẽ khâu pháp lý, mà rất quan trọng là phải tạo ra được sự minh bạch cao nhất để làm sao người mua nhà không có cảm giác rằng mình bị lừa.
Nhân nói về việc nhắm mắt ký bừa, có một luật sư từng trao đổi với tôi rằng, điểm khác biệt nhất giữa doanh nhân việt Nam và doanh nhân nước ngoài là khi đi đàm phán hoặc ký kết, các doanh nhân ngoại thường dẫn theo đội ngũ tư vấn luật rất hùng hậu, còn cơ bản các doanh nhân việt thường "tay không bắt giặc", nên thường thua thiệt. Ông có đồng ý với ý kiến này?
- Là luật sư, tôi chứng kiến việc này khá nhiều. Doanh nhân Việt ít thuê luật sư đi cùng mình để đàm phán với đối tác. Họ đến với chúng tôi chủ yếu để giải quyết hậu quả. Có trường hợp còn đến muộn đến mức là đã có bản án, quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp rồi mới hỏi chúng tôi xem cơ quan này quyết định giải quyết tranh chấp có đúng không.
Qua quan sát, hiện tượng này cũng dần thay đổi rồi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải thay đổi mạnh hơn nữa, tạo thành thói quen, nếp nghĩ của doanh nhân. Nếu không đủ khả năng chi trả nhiều luật sư tham gia cùng đàm phán thì chí ít cũng nên hỏi ý kiến của họ trước khi đặt bút ký.
Là doanh nhân, tôi càng hiểu thói quen suy nghĩ của nhiều doanh nhân Việt. Sống trong một thể chế, nơi pháp luật đang cố giành vị thế cho mình, cũng như trong một nền kinh tế thị trường non trẻ đã làm cho doanh nhân hình thành nếp suy nghĩ như vậy. Họ cứ thấy lợi nhuận là làm. Thế mới có nhận xét doanh nhân Việt Nam nói chung là làm ăn chộp giật, không suy nghĩ dài hơi, xây dựng thương hiệu bền vững.
Thật ra, thời gian biểu của một doanh nhân “nghìn tỷ” cũng không thể thiếu những lúc nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình, bè bạn. Dù không thích nói nhiều về chủ đề này, nhưng cũng sắp đến dịp đoàn viên ngày Tết theo phong tục của người việt, ông có thể chia sẻ suy nghĩ về một mái ấm hạnh phúc theo quan niệm của mình?
- Tôi không phải doanh nhân nghìn tỷ, mà Tập đoàn FLC là DN nghìn tỷ thôi! (cười).
Với tôi, gia đình là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tôi sống vì gia đình, vì mọi người, nhưng đồng thời gia đình lại là chỗ dựa để tôi sống và cống hiến. Bởi vậy mà bên cạnh công việc thì tôi luôn nhắc mình không được quên xây dựng, vun đắp mái ấm hạnh phúc gia đình.
Trả lời câu hỏi của bạn về mái ấm hạnh phúc thì thay vì nêu quan điểm tôi chỉ muốn nói rằng, tôi biết mình đang có một mái ấm hạnh phúc khi có người vợ rất hiểu chồng và hai con rất ngoan. Lúc rảnh rỗi, tôi chỉ có thú vui đọc sách, chơi thể thao và nói chuyện với con…
*******
Chia tay vị Chủ tịch FLC khi ngoài trời lay phay mưa trong cái rét tê người xứ Bắc. Lại trở về giọng điệu nhỏ nhẹ, chừng mực, anh bảo: khủng hoảng giống như gió mưa thử sức người. Sau một giai đoạn khủng hoảng thường lọc ra một tầng lớp doanh nhân mới, dày dạn hơn, bản lĩnh hơn và nhất là có nội lực vững vàng hơn. Nói riêng về bất động sản cũng vậy, đã qua cái thời chạy chọt xin được một vài nghìn mét vuông rồi bán dự án, bán lúa non kiếm lời. Thị trường khó khăn vậy, nhưng các DN bất động sản lớn vẫn giữ ngọn cờ, chuyển sang giai đoạn phát triển thực sự, chiều sâu.
“Theo trải nghiệm của tôi thì rõ ràng đang hình thành một thế hệ doanh nhân mới. Hàng ngày, tôi tiếp xúc với nhiều doanh nhân, thế hệ doanh nhân ở thời kỳ đầu của đổi mới và thế hệ doanh nhân bây giờ khác nhau nhiều lắm. Nhiều người trong số họ đã ý thức được phải xây dựng chiến lược phát triển bài bản, dài hơi. Họ suy nghĩ và ước mơ vượt tầm quốc gia. Hội nhập tạo áp lực và cho họ cơ hội để làm việc đó. Cá nhân tôi cũng mong muốn như họ và hy vọng Việt Nam sẽ có ngày một nhiều doanh nhân có tên tuổi trên trường quốc tế, có nhiều hơn tỷ phú được xếp hạng thế giới”, Trịnh Văn Quyết nói như chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Doanh nhân gốc Việt David Dương

CEO David Dương: "Doanh nhân cần tiên phong thượng tôn pháp luật"

(PLVN) -  Là một doanh nhân gắn bó sâu sắc với lĩnh vực môi trường, CEO David Dương luôn nhấn mạnh vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật. Ông cho rằng, thượng tôn pháp luật không chỉ là nền tảng cho sự phát triển bền vững mà còn là trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội và cộng đồng.

Đọc thêm

Bí quyết thành công của Sao Mai Super Feed trong ngành cá tra

Bí quyết thành công của Sao Mai Super Feed trong ngành cá tra
(PLVN) -  Với việc chiếm hơn 10% thị phần trong ngành thức ăn thủy sản tại Việt Nam, Sao Mai Super Feed đã khẳng định vị thế là một trong những thương hiệu hàng đầu, góp phần quan trọng trong sự phát triển của ngành cá tra và nâng tầm sản phẩm cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.

Hòa Phát góp sức hồi sinh Làng Nủ và Nậm Tông của tỉnh Lào Cai

Hòa Phát góp sức hồi sinh Làng Nủ và Nậm Tông của tỉnh Lào Cai
(PLVN) - Sáng ngày 22/12/2024, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức khánh thành dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên và thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà. Tập đoàn Hòa Phát đồng hành tài trợ toàn bộ tôn lợp mái cho các công trình tại hai ngôi làng với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Lào thăm Công ty CP Phân bón Bình Điền

Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane trao quà lưu niệm cho Chủ tịch Vinachem Phùng Quang Hiệp.
(PLVN) - Ngày 21/12, Công ty CP Phân bón Bình Điền - một trong những đơn vị sản xuất phân bón tiêu biểu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã vinh dự đón tiếp đồng chí Xaysomphone Phomvihane - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Tập Đoàn Thái Hương: Bí quyết thành công từ văn hóa doanh nghiệp và lãnh đạo nhân văn

Tập Đoàn Thái Hương: Bí quyết thành công từ văn hóa doanh nghiệp và lãnh đạo nhân văn
(PLVN) -  Gây ấn tượng với công chúng bởi những màn “chốt deal” quyết đoán trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 và sự hết lòng hỗ trợ startup, Shark Nguyễn Văn Thái - Nhà đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Thái Hương (Tập đoàn Thái Hương) chia sẻ quan điểm: “Con người là nguồn lực lớn nhất”.

Khởi động dự án cáp ngầm biển đưa lưới điện quốc gia ra Côn Đảo

Khởi động dự án cáp ngầm biển đưa lưới điện quốc gia ra Côn Đảo
(PLVN) -  Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 (Liên danh PC1 – PECC4) vừa tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng Gói thầu HH01-DZCĐ Thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng đoạn cáp ngầm biển (EPC) thuộc Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Doanh nghiệp đánh giá tích cực về ngành Thuế, Hải quan

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công
(PLVN) - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, VCCI nhận được nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN) đánh giá tích cực về ngành thuế và hải quan trong việc giúp DN hoàn thành nghĩa vụ thuế nhanh hơn, thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn.

VinFuture tiếp thêm động lực theo đuổi khoa học cho nhà nghiên cứu trẻ

PGS.TS Nguyễn Phi Lê trong một hội thảo về AI (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Thẳng thắn nhìn nhận những điều còn thiếu, những thách thức phải đối diện, các nhà khoa học trẻ Việt Nam cho rằng chính VinFuture đã trao cho họ cơ hội tiếp cận với những tri thức và công nghệ mới nhất thông qua việc giao lưu, chia sẻ cùng những trí tuệ lỗi lạc hội tụ tại Việt Nam. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thêm động lực và niềm tin với con đường mình đã chọn.

Khởi động dự án nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh

Khởi động dự án nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh
(PLVN) - Dự án xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast tại KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) có công suất thiết kế 400.000 xe/năm với tổng mức đầu tư xây dựng 7.300 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 6/2026, dự án hoàn thành tiến độ xây dựng cơ bản và đưa vào khai thác vận hành.

Công bố Quyết định chỉ định nhân sự Bí thư Đảng ủy HUD

Ông Nguyễn Đức Phong - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối trao quyết định cho ông Đậu Minh Thanh.
(PLVN) - Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TƯ vừa công bố Quyết định số 2275-QĐ/ĐUK về việc chỉ định ông Đậu Minh Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng uỷ HUD, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

PVOIL có Tổng giám đốc mới

Chủ tịch HĐTV Cao Hoài Dương (bìa phải) trao quyết định cho tân Tổng Giám đốc PVOIL.
(PLVN) -  Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) vừa tổ chức Lễ công bố và trao các quyết định về công tác cán bộ, chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc PVOIL