Sau nhiều ý kiến trái chiều, tối 5/2, toàn bộ 12 con thiên nga được thả thí điểm tại hồ Gươm đã bị một nhóm công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội giăng lưới vây bắt, di trú về khu vực hồ Thiền Quang.
Lý giải về việc này, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết, việc thí điểm thả thiên nga ở hồ Gươm tạm dừng là do nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có một số ý kiến phản đối.
Trên cương vị là Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội, ông Trương Mạnh Tiến cho rằng, nếu nói về mặt môi trường thì chỉ có 12 con thiên nga nên mức độ ảnh hưởng đến nguồn nước là không đáng kể, vì hồ Gươm có diện tích rộng lên tới 11 hécta.
“Cái thứ hai, người ta quan tâm là thiên nga có phù hợp để chăn nuôi ở môi trường khí hậu của mình không? Thực ra, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng nuôi rồi. Cái quan trọng ở đây là cách quản lý, nuôi rồi có bảo vệ được không thôi”, ông Tiến chia sẻ.
Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội lưu ý, mối lo lớn nhất khi nuôi thiên nga ở hồ Gươm là việc người ta sử dụng câu chùm, khi giật có khi chết cả thiên nga thì sẽ rất tiếc vì giá trị mỗi con thiên nga rất lớn.
“Về phần mình, tôi cho rằng nếu thử nghiệm thành công những con thiên nga trắng, thiên nga đen như ở châu Âu vẫn nuôi thì mình cũng nên áp dụng. Việc nuôi thiên nga nó sẽ làm cho cảnh quan của hồ Gươm, hay hồ Thiền Quang tốt đẹp thêm thôi.”
“Tất nhiên, chúng ta chỉ nên nuôi thiên nga với số lượng vừa phải, khoảng vài chục con đổ lại thôi. Nếu nuôi quá nhiều sẽ vượt ngưỡng phú dưỡng (lượng chất hữu cơ quá nhiều gây ô nhiễm), thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng,” ông Tiến nhấn mạnh.
Trước đó, chiều 5/2, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội đã thả thí điểm 12 con thiên nga màu trắng, đen được nhập từ Bỉ. Nhiều du khách, người dân tỏ ra thích thú với hình ảnh đàn thiên nga bơi lội, vỗ cánh trên mặt hồ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến lại cho rằng, hồ Gươm là địa điểm thiêng liêng của người dân thủ đô, nơi văn hóa tâm linh, nổi tiếng với truyền thuyết rùa vàng, và hình ảnh cụ rùa gắn liền với tên tuổi, lịch sử của hồ.
Bày tỏ sự lo lắng, phó giáo sư tiến sĩ Hà Đình Đức, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (người có nhiều gắn bó, nghiên cứu về Hồ Gươm) cho rằng, bây giờ người ta thả vài con thiên nga, rồi sau này “thấy được” lại thả vài chục con, rồi lại sinh ra cả ban quản lý cho việc này thì rất phức tạp.
“Nhiều người nói vui hồ Gươm giờ thành hồ Thiên nga. Tôi thấy không phù hợp, thậm chí còn có phần phản cảm. Người Hà Nội nói riêng và du khách yêu thích, am hiểu về Hà Nội sẽ khó có thể quen được hình ảnh thiên nga bơi lội ở hồ Gươm - nơi vốn được coi là dấu ấn văn hóa, lịch sử của Thủ đô,” ông Đức chia sẻ.