Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu về công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (giai đoạn 2016 – 2020), địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 16 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trồng lúa, trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản với diện tích gần 64.000 m2 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tách thành 587 thửa đất để chuyển nhượng hoặc xây dựng nhà không phép, sai quy hoạch, không đúng với mục đích sử dụng đất…
Trong đó, thành phố Bạc Liêu có 10 trường hợp tách thửa theo kiểu nêu trên, tương ứng với 10 khu dân cư tự phát. Trên diện tích gần 52.000 m2, 10 hộ gia đình, cá nhân của thành phố Bạc Liêu đã tách thành 329 thửa đất.
Nhiều nhất là hộ ông Lý Văn Chạy (Phường 8, TP. Bạc Liêu) có gần 9.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản đã lập thủ tục tách thành 78 thửa. Kế đó là hộ ông Mã Kệt Vũ (Phường 5), có 10.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản cũng lập thủ tục tách thành 40 thửa. Hộ bà Đường Thị Ngọc (Phường 7, TP. Bạc Liêu) có 8.687 m2 đất trồng cây lâu năm lập thủ tục tách thành 40 thửa. Hộ ông Lê Kỳ Nam có 12.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản lập thủ tục tách thành 39 thửa và hộ ông Trần Quốc Sử (cùng ở Phường 5) có 5.700 m2 đất nuôi trồng thủy sản tách thành 37 thửa. Hộ bà Trần Thị Phượng (Phường 1, TP. Bạc Liêu) có 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tách ra thành 22 thửa…
Huyện Đông Hải có 3 trường hợp tách thành 204 thửa đất, nhưng không thể hiện rõ diện tích trong hồ sơ quản lý đất đai… Cụ thể, hộ ông Nguyễn Văn Thanh có 2 khu đất NTTS. Khu 1 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tách thành 71 thửa, trong đó có 9 thửa đã chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó chuyển nhượng cho khoảng 40 hộ dân, có 37 căn nhà cấp 4 đã được xây dựng trên phần đất này. Khu 2 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tách thửa đất lớn thành 50 thửa nhỏ và đã chuyển nhượng toàn bộ 50 thửa đã được tách. Hiện tại, các hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng đã xây nhà ở trên phần đất này.
Hộ ông Tô Mến đã tách ra thành 38 thửa, ông Mến đã chuyển nhượng cho một số hộ để cất nhà ở và nuôi chim yến. Ngoài ra, sau khi tách thành 38 thửa, ông Mến đã tự làm đường đi trên phần đất của mình. Hộ thứ ba là ông Nguyễn Văn Hồng đã tách ra thành 45 thửa đất, ông đã chuyển nhượng cho một số hộ để cất nhà cấp 4 và tự ý làm đường giao thông trên phần đất đó…
Trách nhiệm Cơ quan tham mưu
UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Các trường hợp nêu trên số lượng tách thửa nhiều, có tính chất phức tạp và diễn ra ở nhiều thời điểm khác nhau, có trường hợp diễn ra từ năm 2002 - 2004; xây nhà không có giấy phép và không đúng mục đích sử dụng đất… Vấn đề này có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai. Do đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định thành lập Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước trong toàn tỉnh, giao lãnh đạo Thanh tra tỉnh làm Trưởng Đoàn.
Ngoài ra, theo Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, thời gian gần đây, các khu dân cư tự phát còn hình thành theo một hình thức khác. Đó là nhiều trường hợp người dân mua đất, tự ý san lấp mặt bằng, phân lô bán nền và xây dựng nhà ở trên phần đất này khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các khu dân cư này không đảm bảo quyền lợi cũng như các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt đối với các hộ dân sinh sống.
Sở Xây dựng tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm và Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu cũng đã lần lượt ban hành 4 công văn đôn đốc, nhắc nhở các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng phân lô, bán nền trái phép, hình thành khu dân cư tự phát trên địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên, tình hình này đến nay chưa được chấn chỉnh mà có chiều hướng ngày càng diễn biến phức tạp thêm...
Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, thay thế nghị định Nghị định số 102/2014/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 của Luật đất đai thì hình thức và mức xử phạt từ 20 – 500 triệu đồng tùy theo diện tích.
Đáng chú ý, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phần lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP trở lên thì hình thức và mức xử phạt từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng tùy diện tích.