Trước đó, ngày 23/9/2020, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và bắt giữ Nguyễn Văn Biên (sinh năm 1971, trú tại thị trấn Ma Đa Guôi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) khi bị cáo này đang vận chuyển 2 chi gấu đi tiêu thụ.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, bị cáo Biên là một chủ nuôi nhốt gấu có đăng ký trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bị cáo khai nhận 2 chi gấu trên cắt ra từ một cá thể gấu nuôi đã chết trước đó tại cơ sở.
Mặc dù nắm rõ quy định pháp luật liên quan đến gấu, trong đó nghiêm cấm hành vi buôn bán trái phép các sản phẩm, bộ phận và cá thể gấu nhưng bị cáo vẫn thực hiện hành vi buôn bán trái phép chi gấu nhằm thu lợi bất chính.
Sau khi hành vi vi phạm bị phát hiện, bị cáo cũng đã chủ động tự giao nộp lại cho Nhà nước 2 cá thể gấu nuôi có đăng ký còn lại tại gia đình.
Tại Việt Nam, sau nhiều nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan, hoạt động nuôi nhốt gấu đang đi đến hồi kết nhưng không tránh khỏi mộđôt số đối tượng vẫn tiếp tục khai thác, trích hút buôn bán mật gấu và các sản phẩm, bộ phận của gấu.
Từ câu chuyện của bị cáo Biên nói trên có thể thấy trong thời gian gần đây nhiều chủ gấu đã tự ý xử lý gấu chết và thậm chí “tận thu” tay chân, túi mật của gấu chết mà không thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chính vì thế việc cần làm ngay là các cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu nhằm ngăn chặn vi phạm và chủ động tuyên truyền, khuyến khích các chủ nuôi chuyển giao gấu cho Nhà nước để góp phần chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam, cho các quần thể gấu trong tự nhiên có cơ hội phục hồi.
Gấu ngựa (Ursus thibetanus) và gấu chó (Helarctos malayanus) là 02 loài gấu được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định pháp luật Việt Nam, liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP.
Bất kỳ hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể hoặc sản phẩm/ bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của hai loài gấu này đều có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Biên vì vậy đã đáp ứng cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại Khoản 1 Điều 244 BLHS với mức hình phạt từ 01 đến 05 năm tù hoặc 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng đối với cá nhân.