Không chịu thua cái nghèo
Xã Liêng Srônh, huyện Đăm Rông – huyện 30a của tỉnh Lâm Đồng - có 1.889 hộ, trong đó hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 1.233 hộ (chiếm 65,2% dân số của toàn xã), nhưng có tới 708 hộ nghèo (chiếm 95,2%) và 263 hộ cận nghèo (chiếm 86,8% số hộ cận nghèo toàn xã).
Ở Liêng Srônh, bà con đa phần sống nhờ rẫy cà phê, nhà ít nhất 1 – 2 ha, nhưng cây cà phê mỗi năm chỉ một vụ, chi phí chăm bón và sinh hoạt trông chờ vào đó, đến mùa thu hoạch trả nợ đi có khi chẳng còn lại đồng nào, nên bao nhiêu năm nhiều gia đình muốn thoát nghèo không thoát nổi, dù bà con không chịu để nợ quá hạn một đồng vốn nào. Nhà chị K Tuyên cũng vậy.
Chị K Tuyên là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TKVV) nhưng cũng là chủ hộ vay 50 triệu từ chương trình hộ nghèo để trồng và chăm sóc cà phê, kể rằng, Tổ TKVV của chị có 57 thành viên, nhưng toàn hộ nghèo, mới chỉ có hộ gia đình nhà chị K Diệu là thoát nghèo năm trước, giờ là hộ cận nghèo. Chị K Diệu có 2,8 ha cà phê, vay 50 triệu từ chương trình hộ cận nghèo, bày tỏ quyết tâm dứt hẳn cái nghèo, nhưng cũng băn khoăn nếu chỉ trồng cà phê thì liệu mong ước của chị có dễ thành hiện thực.
Cách đó không xa, chúng tôi gặp chị Rơ Ông K Nga đang chăm mấy mẻ tằm. Không chịu nhàn rỗi chờ vụ cà phê, mấy chị em chị K Nga tranh thủ trồng dâu nuôi tằm. Trời mưa, trong khi đa phần người dân không thể lên rẫy chăm cà phê hay trồng trọt gì ngoài trời được thì mấy chị em nhà chị K Nga vẫn tất bật với những nong tằm trong các nhà tằm được che chắn cẩn thận.
“Là Tổ trưởng TKVV, tôi cũng trăn trở lắm chuyện thoát nghèo cho mình và cho các tổ viên. Nhưng nếu chỉ phụ thuộc vào cây cà phê, gia đình chúng tôi chắc cũng còn loay hoay nhiều năm nữa, nên phải tìm cách. Cân nhắc lên xuống, gia đình tôi quyết định trồng dâu nuôi tằm, một là thị trường đang thuận lợi và đòi hỏi đầu tư ban đầu không quá lớn, hai là lấy ngắn nuôi dài để dần từng bước tìm cách thoát nghèo” – chị Rơ Ông K Nga tâm sự. Giờ thì trừ chi phí, gia đình chị thu về được chừng 5 – 6 triệu mỗi tháng, chắc chắn sẽ thoát nghèo trong thời gian không xa.
Thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm nhà chị Rơ Ông K Nga (xã Liêng Srônh, huyện Đăm Rông, Lâm Đồng), Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng (người thứ hai, bên phải) đánh giá cao nỗ lực của đồng bào DTTS trong việc chủ động tìm hướng đổi mới sản xuất, kinh doanh để tăng hiệu quả sử dụng vốn chính sách nhằm nhanh chóng thoát nghèo |
Khởi sắc từ những mô hình công nghệ cao
Nếu tìm mô hình xen canh hoặc chuyển đổi sản xuất vẫn là câu chuyện trăn trở với nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Liêng Srônh (huyện Đăm Rông), thì ở xã Lát (huyện Lạc Dương), các hộ đã có sẵn một “con đường” – chuyển đổi từ cây công nghiệp dài ngày doanh thu thấp sang cây nông nghiệp ngắn ngày ứng dụng công nghệ cao.
Thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, 10 năm qua, riêng trên địa bàn xã Lát, nguồn vốn cho vay gần 72,5 tỷ đồng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của đồng bào DTTS là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển kinh tế hộ gia đình. Thông qua nguồn vốn vay đã tác động trực tiếp đến 2.487 lượt hộ đồng bào DTTS có chuyển biến về nhận thức và cách thức làm ăn, có vốn sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ DTTS cải tạo, chăm sóc hơn 800 ha cà phê, làm hơn 28,4 ha chuyển đổi trồng rau, hoa công nghệ cao, trong đó có 03 ha nhà kính…
“Vốn tín dụng chính sách giúp cho đồng bảo DTTS nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt là thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội” – ông R’ Ông K’ Síu, Chủ tịch UBND xã Lát, chia sẻ.
Chủ động phát huy lợi thế, tăng hiệu quả sử dụng vốn
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng đến 31/05/2018 là hơn 2.912 tỉ đồng, với 97.052 hộ còn dư nợ 13 chương trình tín dụng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã có tác động tích cực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo đã thay đổi căn bản trong tập quán sản xuất, biết tính toán, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp của hộ gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới và tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật, khắc phục đáng kể tình trạng sản xuất tự túc, tự cấp, quen dần với sản xuất hàng hoá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng luôn rất quan tâm đến chính sách dành cho đồng bào DTTS. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên ban hành chính sách riêng của địa phương để phát triển đời sống đồng bào DTTS. Với ưu thế về các vùng hàng hóa và đặc sản địa phương, tỉnh cũng chú trọng việc chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật cho người vay vốn và xây dựng mô hình điểm để các hộ dân khác học tập.
“Tỉnh đang nỗ lực tìm cách tăng cường quay vòng vốn để tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn chính sách. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm để giải quyết câu chuyện hiệu quả sản xuất, hiệu quả đồng vốn và tăng cường đời sống cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, chúng tôi mong cũng có chính sách cho đồng bào DTTS thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” – ông Nguyễn Văn Yên đề xuất.