Để chủ động nguồn cung vật liệu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tránh tình trạng khan hiếm, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết để cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, nâng công suất khai thác theo cơ chế đặc thù.
Theo đó, tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện. Về quy hoạch nguồn vật liệu xây dựng (VLXD), Quảng Bình có 159 khu vực mỏ VLXD (đá, cát, sỏi, đất san lấp) với tổng diện tích hơn 1.835 ha, tài nguyên dự báo trên 854 triệu m3.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Ngoài 103 mỏ được UBND tỉnh cấp phép đang có hiệu lực; 30 mỏ đã được cấp phép thăm dò, phê duyệt. Tỉnh Quảng Bình còn có 22 mỏ đất san lấp chưa được phê duyệt quy hoạch nhưng có thể khảo sát đưa vào sử dụng cho dự án với trữ lượng hơn 27,3 triệu m3.
Theo kết quả rà soát nguồn vật liệu cần sử dụng cho dự án của đơn vị tư vấn và đối chiếu với quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hầu hết các mỏ hiện tại bảo đảm chất lượng, đủ phục vụ cho việc triển khai dự án.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cùng các sở, ngành đã làm rõ thêm về nhu cầu sử dụng VLXD, bãi thải liên quan đến dự án, đồng thời, đề xuất các ý kiến đối với việc quản lý, khai thác, sử dụng VLXD, cân đối nhu cầu sử dụng mỏ; đề nghị các đơn vị sớm hoàn thiện thủ tục liên quan để tạo điều kiện cho địa phương triển khai chuyển đổi mục đích sử dụng đất; cấp phép khai thác khoáng sản; nâng công suất khai thác theo cơ chế đặc thù...
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, quan điểm của tỉnh Quảng Bình là các mỏ VLXD hay bãi đổ thải đều là tài nguyên quan trọng, do đó, cần phải được quản lý và khai thác đảm bảo hiệu quả. Đồng thời đề nghị các đơn vị tư vấn khảo sát đánh giá kỹ các mỏ VLXD, trước khi khai thác có cam kết về năng lực cũng như giá cả nguyên, vật liệu; trong quá trình khai thác cần cân đối lượng đào đắp phù hợp giữa các đoạn, tránh lãng phí tài nguyên.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh, để đảm bảo tiến độ dự án cần đẩy nhanh tiến độ bàn giao hồ sơ giải phóng mặt bằng (GPMB) là vấn đề quan trọng nhất, do đó, các đơn vị phải khẩn trương bàn giao hồ sơ GPMB cho các địa phương.
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi làm việc. |
Đồng thời xây dựng ngay kế hoạch nhu cầu vốn, để khi có nguồn là bố trí kịp thời cho công tác chi trả bồi thường GPMB. Về mỏ vật liệu và bãi đổ thải, các đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết nhu cầu vật liệu, vị trí bãi thải.
Xây dựng hồ sơ mỏ vật liệu một cách chính xác, chi tiết, chất lượng; xác định nhu cầu gắn liền với vị trí thực hiện dự án; phân loại, làm rõ đối tượng mỏ; đảm bảo khai thác một cách hiệu quả; mỏ nào không phù hợp kiên quyết không đưa vào sử dụng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng đề nghị cần thống nhất quy trình quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn VLXD, vật liệu thải, bãi thải đảm bảo các quy định pháp luật, không lãng phí nguồn tài nguyên.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông được chia thành 12 dự án thành phần đi qua địa bàn 12 tỉnh, thành phố. Tại Quảng Bình, dự án có tổng chiều dài dự kiến 177km, trong đó có hơn 126 km qua địa phận các huyện, thị xã, thành phố với điểm đầu tại Km 581+100 trên địa bàn xã Quảng Hợp (Quảng Trạch). Chia thành 3 tuyến gồm: Tuyến 1, Vũng Áng-Bùng (58km); tuyến 2, Bùng-Vạn Ninh (51km); tuyến 3, Vạn Ninh-Cam Lộ (68km).