Trước tình trạng đó, ngày 31/10, UBND TP Cần Thơ và các sở, ban ngành TP đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Diệu Hiền (gọi tắt là Cty Diệu Hiền) để giải quyết tình hình sử dụng điện và hạ tầng kỹ thuật tại KDC Diệu Hiền.
Lãnh đạo Cty người chết, kẻ bỏ đi
Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ Nguyễn Minh Toại cho biết, UBND TP phê duyệt đầu tư KDC Diệu Hiền từ năm 2004. Theo quyết định phê duyệt, KDC được đầu tư hệ thống điện “ngầm” trung thế và hạ thế dài 6 km. Tuy nhiên, phần hạ tầng kỹ thuật điện thi công chưa đúng thiết kế được phê duyệt, nhánh rẽ vào nhà không được đảm bảo yêu cầu kỹ thuật điện, không đèn chiếu sáng, sử dụng nhiều chủng loại dây dẫn, kéo móc trên cành cây xanh… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về điện.
Vừa qua, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra và xác định khả năng xảy ra chập diện dẫn đến cháy nổ là rất cao. Hệ thống điện chưa được ngầm hóa, không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu an toàn điện tại KDC. Đặc biệt, 210 hộ dân đang sinh sống trong KDC phải sử dụng điện với mức giá 3.200đồng/kWh là không đúng quy định pháp luật. Mặt khác, Cty cũng không có giấy phép hoạt động điện lực.
“Chỉ trong tháng 8/2018 số điện năng tiêu thụ của 100 hộ dân trong KDC là 44.300 kWh với tổng số tiền được Cty thu là hơn 140 triệu đồng. Trong đó, nộp về Điện lực quận Cái Răng chỉ khoảng 76 triệu đồng, còn lại hơn 65 triệu đồng thì Cty hưởng phần chênh lệch”, ông Toại thông tin. Được biết, vấn đề này đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua chứ không phải chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cường, Phó Giám đốc Cty Diệu Hiền cho biết, từ năm 2014 đến nay chủ đầu tư bỏ đi nước ngoài sinh sống. Hiện Cty không còn trụ sở làm việc. Người có vai trò điều hành Cty thì người chết, người bỏ đi, hiện chỉ còn lại 2 người (1 Giám đốc và 1 Phó Giám đốc) trông coi, quản lý. Tuy nhiên, theo 2 vị này đây chỉ là những chức danh trên danh nghĩa, không được ai trả lương. Đồng thời từ năm 2004 đến nay Cty đã trải qua 14 lần thay đổi Giám đốc. Hiện tại, Cty hoàn toàn không có khả năng thanh toán bất kỳ hạng mục nào của Dự án cũng như trả nợ ngân hàng. “Chủ đầu tư định cư nước ngoài với lý do đi chữa bệnh, chỉ để lại 2.000m2 nền đất thổ cư. Tuy nhiên, số đất này cũng bị thế chấp ngân hàng. Do thời gian thế chấp quá lâu nên ngân hàng đã phát mãi và còn nợ lại 12 tỷ đồng”, ông Cường phân trần.
Được quy hoạch xây dựng hệ thống điện ngầm, thế nhưng mạng lưới điện tại KDC Diệu Hiền vẫn ngổn ngang tiềm ẩn cao nguy cơ tai nạn |
Cty xin hướng dẫn tuyên bố phá sản
Không những thế, ông Cường còn nêu rõ, 80% lô nền tại KDC cắm mốc sai vị trí. Người dân xây dựng lấn chiếm ranh giới dẫn đến tranh chấp. Ông Cường thừa nhận, có một phần lỗi là do Cty. Tuy nhiên, người dân cũng có phần chủ quan, mua đất không đo đạc diện tích cụ thể. Ngoài ra, hạ tầng còn ngổn ngang, khoảng 10% vỉa hè trong KDC chưa làm, 100% điện âm chưa triển khai, hệ thống thoát nước chưa đấu nối. “Có thể nói, đây là KDC có cơ sở hạ tầng lộn xộn, ngổn ngang nhất phía Nam Cần Thơ”, ông Cường thẳng thắn nhìn nhận.
Theo số liệu tổng hợp của Cục Thuế TP Cần Thơ, tính đến tháng 10/2018, Cty Diệu Hiền nợ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng khoảng 20 tỷ đồng. Thuế chậm nộp khoảng 19 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế là 39 tỷ đồng.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, vấn đề cấp bách là phải giải quyết vấn đề đường điện, đồng thời tìm phương án giải quyết để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong KDC. Phía Cty Diệu Hiền không tuyên bố phá sản cũng không có trách nhiệm là điều bất hợp lý. Theo đó, ông Nam yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành liên quan lên phương án xử lý và báo cáo về thường trực UBND TP trong thời hạn 15 ngày.
Trước tình hình như trên, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Cty Diệu Hiền khẳng định, hiện tại Cty đã hoàn toàn mất khả năng về tài chính. Đồng thời mong muốn TP hướng dẫn để thực hiện thủ tục tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật.