Ông Vũ Hồng Phương- Giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Đường Sắt, Bộ GTVT cho biết, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,9 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.200 tỷ đồng. Dự án sử dụng vốn vay Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Đến tháng 11/2018, cơ bản dự án được thi công, lắp đặt xong. Từ tháng 12/2018, dự án được chạy thử.
Đến nay, dự án đã đủ các điều kiện để đưa vào khai thác công trình. Cụ thể, ngày 29/10, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt. |
Dự án đã được chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt do Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận. Hiện, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan chấp thuận, cho phép bàn giao đưa vào khai thác giai đoạn đầu.
Về nhân sự, hiện đã có hơn 700 nhân sự sẵn sàng phục vụ dự án, trong đó có 36 lái tàu đã được cấp giấy phép lái tàu.
Quang cảnh buổi họp báo |
Theo ông Vũ Hồng Trường - Giám đốc Metro Hà Nội, đơn vị này đã sẵn sàng vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cũng theo vị này, trong 6 tháng đầu khai thác, tàu sẽ chạy từ 5h30 sáng đến 22h hàng ngày. Cứ khoảng 15 phút có một chuyến, tùy theo lượng khách, có thể tăng chuyến lên. Trong 15 ngày đầu, tàu sẽ chạy khuyến mại cho người dân.
Về giá vé, đi một chiều là 15.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng. Vé tháng khoảng 140.000 đồng. Ngoài ra, có nhiều đối tượng được miễn phí giá vé như người khuyết tật, người già...
Cũng theo ông Trường, dọc tuyến Cát Linh - Hà Đông có nhiều tuyến xe buýt để kết nối người dân đi lại. Tuy nhiên, tại các nhà ga, không có chỗ nào để gửi xe đạp, xe máy cho hành khách.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dự án sẽ được Bộ GTVT bàn giao cho Hà Nội vào sáng thứ 7 tới đây, tức ngày 6/11. Sau khi bàn giao xong, tuyến đường sắt sẽ chính thức được khai thác.
Theo ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngay sau khi nhận bàn giao dự án từ Bộ GTVT, dự án sẽ được Hà Nội khai thác ngay, tức từ ngày 6/11 tới đây. Dự án giai đoạn 1 sẽ được khai thác trong khoảng 1 năm sau đó sẽ được chuyển sang giai đoạn 2 sau khi đã đánh giá mức độ an toàn của hệ thống.
Ông Tuấn đánh giá, đây là dự án lớn, quan trọng của Hà Nội, việc dự án sau nhiều năm triển khai được đưa vào khai thác là niềm vui lớn của chính quyền và người dân Thủ đô.
"Đây là thời khắc đáng vui mừng khi dự án đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước sắp được đưa vào khai thác", ông Tuấn nói và cho biết, trong quá trình khai thác, việc đảm bảo an toàn là yếu tố quan trọng nhất và sẽ được đơn vị khai thác Metro Hà Nội lưu ý.
Theo Bộ GTVT, việc đưa dự án vào khai thác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông của người dân, hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tối đa, dự án cần có kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông khác cũng như sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông đã được thông qua.