Liên tục thu giữ pháo lậu
Công an tỉnh Quảng Bình vừa triệt phá thành công chuyên án tàng trữ 27 thùng pháo lậu các loại với tổng trọng lượng hơn 900kg. Đây là vụ bắt giữ pháo lậu lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh này. Trước đó, lực lượng chức năng của tỉnh này cũng đã bắt quả tang một giám đốc doanh nghiệp tàng trữ trái phép 50 hộp pháo với tổng trọng lượng gần 70kg. Công an Vĩnh Phúc cũng bắt được một đối tượng, thu giữ gần 1 tấn pháo.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn, trong tháng 11/2019, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý 5 vụ liên quan đến pháo (bằng 40% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó 2 vụ không tìm được chủ sở hữu, 3 vụ chuyển cơ quan công an. Tang vật thu giữ 772kg pháo các loại. Điển hình phải kể đến vụ Đội QLTT số 10 đã kiểm tra một xe ô tô ở Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe ô tô nêu trên đang vận chuyển 12 dàn pháo loại 100 quả/dàn; tổng trọng lượng là 48kg.
Đội QLTT số 10 đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện nêu trên. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; Đội QLTT số 10 đã tiến hành chuyển giao hồ sơ vụ việc, tang vật và phương tiện liên quan cho Công an huyện Cao Lộc xử lý theo quy định.
Theo thông lệ, hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo chủ yếu là việc nhập lậu pháo từ bên kia biên giới vào nội địa và vận chuyển về các tỉnh phía sau tiêu thụ. Từ đầu năm 2019 đến nay việc buôn bán, vận chuyển pháo trái phép vẫn lén lút diễn ra, nhất là dịp cuối năm và mùa lễ hội.
Thủ đoạn mà các đối tượng dùng chủ yếu vẫn là xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới, mang vác về theo các đường mòn, đường tránh sau đó găm cắm trên một số xe khách, xe tải hoặc vận chuyển bằng xe máy theo các tuyến quốc lộ về các tỉnh phía sau. Mặt hàng pháo nhập lậu đa dạng, bao gồm pháo nổ các loại, pháo hoa kích điện, pháo hoa dạng dàn.
Trong đó, biên giới Lạng Sơn là một điểm nóng đáng chú ý. Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo tỉnh Lạng Sơn đã sớm có kế hoạch về phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo và mở đợt cao điểm phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các lễ hội đầu xuân.
Thực hiện kế hoạch này, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã lên các nội dung triển khai thực hiện. Tương tự, lực lượng QLTT các tỉnh giáp biên như Quảng Ninh, Quảng Trị, An Giang cũng có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát pháo bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng lớn trong dịp Tết.
Tết vẫn trực 24/24h
Theo kế hoạch triển khai, hàng tuần, lực lượng QLTT chủ động tổ chức trinh sát, xây dựng các phương án kiểm tra, kiểm soát xử lý cho phù hợp với từng địa bàn đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo được thường xuyên, liên tục.
Các Đội QLTT đã xây dựng kế hoạch để chủ trì, phối hợp kiểm tra tại các điểm chợ, khu du lịch... Xây dựng cơ sở báo tin để kiểm tra các phương tiện giao thông có dấu hiệu nghi vấn về vận chuyển pháo, vũ khí thô sơ, vật liệu nổ; Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu giữa khu vực nội địa với khu vực biên giới, chú trọng về mặt hàng pháo nhập lậu qua các đường vòng, đường tránh. Các đội QLTT cũng rà soát kỹ càng từng địa bàn để nắm bắt các đối tượng có thể có các hành vi liên quan đến tàng trữ pháo để xử lý kịp thời.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, cơ quan này cũng đã có công văn gửi các Cục QLTT địa phương về tăng cường kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng lớn trong dịp Tết, trong đó có thực hiện việc kiểm tra, tàng trữ, vận chuyển pháo từ cách đây khoảng 2 tháng. Toàn lực lượng quán triệt thực hiện đợt kiểm tra cao điểm trong 3 tháng trước, trong và sau Tết, đặc biệt tăng cường nhân lực trực 24/24h các ngày giáp Tết Nguyên đán như ngày 29, 30, mùng 1 Tết.
Ngoài kế hoạch cao điểm tăng cường kiểm soát của Tổng cục QLTT, Bộ Công an cũng đã có văn bản chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, rà soát, lên danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện nghi vấn phạm tội về pháo để có biện pháp quản lý, đấu tranh, ngăn chặn; kịp thời xác lập chuyên án để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm đối với đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo.
Cùng với đó, các lực lượng bao gồm Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan, QLTT tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm về pháo, nhất là các tuyến biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu. Đối với các vụ án điển hình cần khẩn trương phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp điều tra, truy tố và xét xử lưu động để phục vụ công tác phòng ngừa, răn đe, giáo dục chung.