Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lý giải, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong mỗi con người nó biến mình thành người khác lúc nào không biết, nó lái con đường của chúng ta đi vô cùng phức tạp. Không phải cậy mình có chút công lao để sinh ra kiêu ngạo, muốn nói gì thì nói, phán gì thì phán, nói trái điều lệ, nói trái cương lĩnh.
“Bất cứ ai nếu có suy thoái chúng ta phải giáo dục chứ, phải uốn nắn chứ. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người cơ mà, để người khác đừng phạm vào nữa, đừng cậy mình thế này, thế nọ, là công thần rồi phê phán hết cả thì chế độ này sẽ ra làm sao?”, Tổng Bí thư nói.
Trong điều kiện Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo đất nước tiến lên CNXH, những nhà tư tưởng cộng sản từng đặc biệt lưu ý tới sự suy yếu có thể xảy ra đối với Đảng do mắc phải những sai lầm, khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo, nhất là sai lầm về đường lối và các bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, cơ hội chủ nghĩa, kiêu ngạo cộng sản, tham nhũng, hối lộ, xa hoa, lãng phí.
Chính V.I. Lê-nin đã từng đưa ra những chỉ huấn rất sâu sắc: Mỗi người cộng sản nếu không tự bôi nhọ đạo đức, thanh danh của mình thì không kẻ nào có thể hạ thấp được vai trò và uy tín của họ; tuyệt nhiên không một thế lực nào có thể phá vỡ được quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc còn sống nhấn mạnh phải luôn đề phòng và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện tiêu cực, như suy thoái về tư tưởng chính trị, đặc quyền, đặc lợi, xa rời nhân dân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô nguyên tắc, cơ hội chủ nghĩa và những tiêu cực khác; không để chúng xâm nhập vào “cơ thể” Đảng, vào bộ máy Nhà nước. Đó là những nguy cơ thách thức nghiêm trọng đến uy tín của Đảng trong xã hội, ảnh hưởng đến việc cầm quyền của Đảng, sự tồn vong của chế độ và con đường phát triển của đất nước.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết TƯ 8 khoá XII của Đảng diễn ra cuối tuần qua, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 59 cán bộ diện TƯ quản lý bị kỷ luật, trong đó có 13 Ủy viên TƯ, nguyên Ủy viên TƯ và khai trừ 1 Ủy viên Bộ Chính trị.
Kỷ luật một cán bộ, thậm chí phải đưa ra trước Tòa như cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cán bộ do TƯ quản lý) là mất mát chung, tuy nhiên không vì “đau” mà không làm. Phải nhìn nhận, những năm gần đây Đảng đã có quyết sách quan trọng, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn suy thoái, tham nhũng, tiêu cực… trong nội bộ. Đó là những tín hiệu tốt đẹp.
Không chỉ “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” mà còn vì niềm tin, sự tồn vong của Đảng cầm quyền.