Chồng chết, đất cho thuê bị “cướp” mất?
Năm 2000, chị Thúy lấy chồng là anh Nguyễn Văn Bảy (SN 1979, ngụ ấp Thị Mỹ, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, cùng tỉnh). Để con cái có vốn liếng làm ăn, cha chồng chia cho hai vợ chồng Thúy 10 công đất làm ăn. Vợ chồng bàn bạc bán vàng thuê người đào vuông nuôi tôm. Thời gian này con tôm đã đưa biết bao gia đình nghèo khó thành giàu có. Vợ chồng Thúy sau vài vụ tôm đầu cũng dần có chút vốn làm ăn.
Lúc vợ mang thai đứa con đầu, tính tình anh Bảy ngày càng thay đổi chóng mặt. Có chút tiền trong tay, anh đâm ra lười biếng, nhậu nhẹt, tệ hại hơn là đá gà rồi bồ bịch khắp nơi. Mỗi lần trở về nhà gặp vợ, anh luôn “tiện tay” vài cái bạt tai, đấm vào mặt, vào đầu.
Khi đứa con trai ra đời thì người chồng này không về nhà nữa mà thường xuyên ở bên người tình. “Nó đi chơi vui vẻ thì thôi, chứ về nhà là nắm đầu con tôi ra mà đánh. Lúc có thai nó cũng đánh, sinh con rồi, nó cho nghỉ ngơi được hai tháng rồi đánh miết luôn. Con gái tôi khóc lên khóc xuống ôm con về nhà. Tôi và má nó thương con đứt ruột nhưng con gái lấy chồng rồi, tôi và ông sui lại là chỗ thân tình, cứ cố hàn gắn cho hai đứa”, cha vợ anh Bảy kể.
Ở phía gia đình anh Bảy, người cha biết chuyện con trai bạo hành với con dâu, cũng có khuyên răn, nhưng không thay đổi được gì. Năm 2005, khi con trai lên 3 tuổi, anh Bảy châm lửa đốt ngôi nhà lá của hai vợ chồng, đuổi vợ con đi nơi khác, nằng nặc đòi cha mẹ cưới vợ khác cho mình. Hai bên sui gia gặp mặt nhau để nói chuyện, vẫn giữ nguyên ý kiến ban đầu, cha mẹ hai bên đều có ý vun vén cho đôi vợ chồng về lại với nhau.
Trong khi chờ đợi sự hồi tâm chuyển ý của Bảy thì cha anh Bảy bất ngờ qua đời. “Một buổi sáng người nhà thấy ông không thức dậy. Định vào đánh thức thì phát hiện ông đã tắt thở. Một cái chết mà không ai ngờ tới, dù trước đó sức khỏe ông ấy rất tốt”, ông sui gia thuật lại.
Sau cái chết của cha, anh Bảy càng bê tha hơn trước vì không có người quản thúc. Người vợ và đứa con trai thì mòn mỏi ở nhà ngoại đợi chờ người chồng hồi tâm chuyển ý. Cũng đã có lúc, anh Bảy đến tìm vợ và hứa sẽ dựng lại nhà rồi tu tâm rước vợ con về nhà.
Nhưng lời hứa đó chưa thực hiện được thì anh đã đem mảnh đất của hai vợ chồng cho người khác mướn. Sau đó không lâu, anh cãi nhau với mẹ kế về vấn đề đất đai. Không ai biết cuộc cãi vã nghiêm trọng đến mức nào nhưng anh Bảy đã vì chuyện này mà uống thuốc độc quyên sinh. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, cha con đều chết bất ngờ. Cả vùng quê dậy sóng, tiếng đồn ác ý râm ran khắp nơi.
Cha chị Thúy kể về cuộc đời con gái và cháu ngoại. |
Đám tang chồng xong chưa được bao lâu, chị Thúy được mẹ chồng thông báo mảnh đất của hai vợ chồng đã được anh Bảy cho người khác thuê. Rồi chỉ mấy tháng sau, chị được thông báo mảnh đất đã được một người con riêng của bà này đứng tên. Chút tài sản cuối cùng của hai mẹ con chị Thúy phút chốc đã không còn nữa. Cũng từ đó, mối quan hệ của mẹ con chị Thúy và gia đình chồng cũng xem như đoạn tuyệt.
“Ngày xưa, ông sui cho đất hai đứa làm ăn không có giấy tờ gì cả. Những đứa con khác trong gia đình cũng vậy, trai 10 công, gái 5 công. Ông sui và con rể tôi chết đi, vợ thứ 3 của ổng tìm cách chiếm đoạt mảnh đất của con gái tôi cho con riêng của bà ấy. Chúng tôi đều là dân quê mùa, ít hiểu biết, bị người ta qua mặt mà có hay biết gì đâu. Khi biết ra rồi thì mọi chuyện đã quá muộn”, cha chị Thúy rầu rĩ nói.
Tan vỡ cả tài sản lẫn tình cảm
Bỗng chốc đất đai, nhà cửa tiêu tan, anh chị em chồng thì coi như không có, chị Thúy bồng con về ở với cha mẹ. Nhìn thấy con gái ngày một tiều tụy, đáng thương, người cha hỏi han khắp nơi rồi đưa lá đơn đầu tiên vào năm 2006.
“Tôi phải đòi lại đất đai cho con mình, cháu mình. Hai mẹ con nó đã bất hạnh quá rồi, có được một ít đất cũng bị người ta lấy. Nỗi uất ức này không biết tỏ cùng ai”, người cha nói.
Dù đã cố gắng hết sức nhưng từ xã lên đến tỉnh, mảnh đất đó vẫn chưa thể trở về với mẹ con chị Thúy. Năm 2011, đứa con bệnh nặng, tiền bạc chạy chữa tốn không biết bao nhiêu mà kể. Những đồng tiền dành dụm từ mấy vụ lúa, vụ tôm phút chốc tiêu tan mà con vẫn không khỏi bệnh.
Túng thế, cha mẹ chị Thúy bàn với nhau bán luôn căn nhà đang ở để lấy tiền chữa bệnh cho con. Bệnh khỏi cũng là lúc gia đình không nơi sinh sống. Có người quen ở huyện U Minh Thượng, cả nhà xuống dựng nhà lá ở nhờ.
Dù bỏ xứ mà đi nhưng ông ngoại vẫn nuôi ý định giành lại tài sản chính đáng cho con gái và cháu ngoại. Thỉnh thoảng ông vẫn đưa cháu ngoại về thăm mộ cha, chôn ngay trên nền nhà ngày xưa anh Bảy đốt. “Một lần thấy tôi và cháu nội đến, nhà bên đó cử người ra xua đuổi, cự cãi. Cháu ngoại tôi thấy ông ngoại bị người ta ức hiếp, nó còn nhỏ nhưng cũng không sợ, đòi cầm gậy đánh lại. Bận đó tôi bị người ta đánh còn bị xã phạt 1, 5 triệu vì làm gãy một ngón tay của người nhà bên kia. Đến giờ tôi vẫn còn ức lắm”, cha chị Thúy giãi bày.
Về phần chị Thúy, người đàn bà góa rớt nước mắt gửi lại con cho cha rồi lên Bình Dương kiếm việc làm, thời gian sau sang Tây Ninh đi chặt củi thuê kiếm tiền gửi về cho con ăn học. Mỗi lần nói chuyện điện thoại, hai mẹ con đều khóc. Đứa con trai năm nay đã 13 tuổi, tuy còn nhỏ nhưng dường như đã hiểu rõ nổi thống khổ của mẹ nên cứ một mực xin nghỉ học để đi làm.
Tâm sự qua điện thoại, người phụ nữ này cương quyết: “Tôi và cha mình gần 10 năm qua vất vả nhiều lắm, nhưng tôi quyết phải đòi lại đất đai cho con trai mình sau này. Tôi thì sao cũng được, nhưng con trai tôi thì còn cả tương lai trước mắt”.