Những năm gần đây, dường như tình trạng ngập úng ngày càng tăng nặng tại TP HCM, khi hầu như những cơn mưa lớn đều gây ra những trận ngập nặng toàn thành phố, để lại những hậu quả nặng nề, thiệt hại về sức khỏe, vật chất. Người dân đang lo lắng, vì theo dự báo thời tiết, mưa giông sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày sắp tới. Biết thì biết trước, nhưng ra đường vẫn phải ra, và đường phố, tất nhiên vẫn không tránh khỏi ngập khi mưa lớn.
Mới đây, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM đã có đề xuất lắp camera tại các tuyến đường ngập nặng trên địa bàn thành phố. Theo đó 35 camera với kinh phí gần 500 triệu đồng được lắp tại các tuyến đường có nguy cơ bị ngập nặng để ghi nhận thông tin về thời điểm mưa, thời điểm ngập, mức độ ngập nặng, nhẹ… và đưa ra phương án ứng phó hiệu quả. Dựa theo thông tin của camera, trung tâm cũng có phương án khắc phục sự cố ngập nước tận nơi.
Trên thực tế, tình trạng ngập nước nghiêm trọng đã diễn ra và tăng nặng trong vòng 2, 3 năm nay. Không cần có camera, người dân đều nằm lòng những tuyến đường thường xuyên diễn ra ngập khi triều cường và mưa lớn: Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân (Thủ Đức), Phan Huy Ích, Thống Nhất (Tân Bình- Gò Vấp), Lương Định Của (quận 2), Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Phạm Thế Hiển (quận 8), Kinh Dương Vương (Bình Tân)… Đó là những tuyến đường mà hễ thành phố có mưa, không cần quá lớn, đều bị ngập. Còn gặp phải những trận mưa lớn, là ngập nghiêm trọng, ách tắc giao thông hoàn toàn.
Những tuyến đường như Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân, hễ mưa là nước chảy xiết dữ dội, có thể cuốn trôi người và xe. Tuyến Phan Huy Ích, Phạm Thế Hiển hay Kinh Dương Vương, mưa lớn là giao thông tê liệt, nước tràn vào nhà dân, và mỗi đợt xem lớn chạy qua thì cuốn không biết bao rác vào nhà… gây ảnh hưởng lớn đến việc sinh hoạt, kinh doanh những ngày sau đó.
Việc lắp đặt camera là hợp lý, tuy nhiên, chỉ có tính “cứu” tức thời. Ngập lụt ở TP HCM liên quan đến nhiều yếu tố như quy hoạch đô thị bất hợp lý, miệng cống quá nhỏ, thường xuyên chịu áp lực của việc xả rác bữa bãi, đường cống thoát nước ít, nhỏ, các dự án hỗ trợ thoát nước hầu như chưa thể triển khai… Trong nhiều năm nay, các dự án chống ngập lụt của TP HCM với hàng ngàn tỉ đồng đã chi ra, nhưng diễn ra với tốc độ rùa bò, chậm hơn tốc độ của nước mưa và triều cường, thế nên tiền thì cứ chi, mà ngập vẫn hoàn ngập.
Chống ngập lụt ở TP HCM cần nhiều hơn là những chiếc camera đo lường thực trạng, bởi thực trạng thì chỉ cần vài buổi khảo sát nhỏ, là người dân, những người kinh qua bao con đường ngập nước, đều có thể kể vanh vách. Điều quan trọng là giải pháp căn cơ, lâu bền và triệt để thì người dân chờ mỏi cổ, mà đến nay vẫn chưa thấy đâu!