![]() |
- Anh một vừa hai phải thôi. Tôi hết chịu nổi anh rồi. Đồ vô trách nhiệm!
- Cô nói ai vô trách nhiệm? Cô lúc nào cũng chỉ biết đến tiền. Suốt ngày tiền, tiền, tiền. Mở mồm ra là thấy cô nói đến tiền. Ngày xưa sao cô cao đạo thế? Cô vẫn thường nói với tôi ngon ngọt: “Với em đồng tiền không quan trọng. Với em, anh mới là điều quan trọng nhất”. Vậy mà sao mới chỉ có hơn hai năm về sống với nhau, sao cô thay đổi nhanh thế?
- Anh đừng mang cái “ngày xưa” ra mà nhục mạ tôi. Ngày ấy, anh cũng có khác gì. Anh nói với tôi: “ Em là người quan trọng nhất của cuộc đời anh, không gặp em, không lấy được em thì cuộc sống của anh chẳng có ý nghĩa gì. Anh sẽ làm tất cả vì em và vì các con của chúng ta”. Vậy sao bây giờ anh không làm như những gì anh nói đi? Không có tiền, con anh uống nước lã, thở khí trời mà lớn à? Tất cả những lời anh nói chỉ là hão huyền, hão huyền hết…
- Cô im ngay! Im ngay! Tắt ngay cái loa rè với bài ca muôn thủa của cô đi cho tôi nhờ. Cô làm như tiền là lá mít chắc? Suốt ngày cô ngồi trong nhà, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu mà còn đòi nọ đòi kia. Cô có giỏi thì đi ra đường mà cướp tiền của thiên hạ đi.
- Không có tiền thì anh khóa mồm lại, đừng có bia bọt suốt ngày như thế. Nhục. Nhục lắm. Làm thằng đàn ông mà không nuôi nổi vợ con, lại suốt ngày bia bọt đàn đúm. Anh không thấy xấu hổ với con Bông, thằng Tít à?
“Rầm”, một âm thanh gì đó đổ vỡ. Suốt hai tháng nay, từ khi bé Bông, con gái vợ chồng Bình đi mẫu giáo, nhà Bình cứ dăm hôm im ắng lại vài ngày vợ chồng cãi vã, chì chiết nhau. Bé Bông nghe tiếng đập mạnh thì ngồi thu lu một góc tường, thằng Tít ôm lấy chân mẹ khóc thét lên. Dung, vợ Bình vừa nấc ầng ậc, vừa lu loa: “Anh có giỏi thì giết chết mẹ con tôi đi. Tôi sống như thế này khác nào nhục hình. Ối giời ơi sao tôi khổ thế này…”.
- Cô thấy khổ thì cuốn xéo đi. Tôi chả thiết cái loại vợ ích kỷ, nhỏ nhen, tham tiền như cô.
- Anh đừng có thách thức tôi. Tôi chán cái nhà này lắm rồi. Tôi không vì con thì tôi đã chả phải cam chịu anh như thế này. Tôi khác nào ôsin của anh đâu.
- Vì con? Mình cô vì con chắc? Tốt nhất là giải tán. Giải tán hết!
- Đã thế, từ mai, anh đi mà đưa đón con đi học. Anh thuê cả người về nhà mà trông thằng Tít. Tôi sẽ đi làm. Tôi sẽ kiếm tiền để anh khỏi khinh tôi.
Kết thúc cuộc khẩu chiến, Bình nằm vật lên chiếc sô-pha ngáy o o. Còn Dung, cô ôm con khóc chán rồi lại lụi cụi nhặt đống mảnh sứ do Bình đập lọ hoa vỡ tung tóe khắp nhà. Con bé Bông ngồi ngủ gật nơi góc phòng. Nhìn con, lòng Dung quặn đau. Dung bê hai đứa con lên giường ngủ, nước mắt lã chã rơi. Nằm bên con, Dung không sao ngủ được, nước mắt cứ chảy tràn khắp má, khắp cổ ướt đầm hết gối.
Lòng hận thù và sự tức tối sôi sùng sục trong huyết quản, càng nghĩ, Dung càng thấy chồng mình tồi tệ. Đúng là “chẳng ai mang dùi đục đi hỏi vợ”. Lúc giận chồng là lúc Dung nhớ da diết hình ảnh của Bình ngày xưa. Sao ngày ấy Bình nhẹ nhàng, tâm lý và đáng yêu đến thế. Hầu như chẳng bao giờ Bình cáu giận với Dung. Mỗi lần Dung giận dỗi, Bình thường là người chủ động làm lành trước. Dung luôn cảm thấy ấm áp mỗi khi Bình ở bên. Ngày ấy, Dung luôn nghĩ rằng, chỉ cần được sống suốt đời bên Bình là cô cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc lắm rồi.
Hôn nhân quả là “trái đắng”. Lấy nhau về rồi, sinh con đẻ cái, quê nội, quê ngoại đều ở xa nên Dung phải nghỉ làm ở nhà trông con. Bé Bông, rồi cu Tít chào đời. Một mình Bình phải bươn trải lo cơm áo gạo tiền cho cả nhà. Mỗi tháng được 6 triệu tiền lương, Bình chỉ dám giữ lại 500 ngàn tiêu vặt, còn lại đưa cả cho vợ chi dùng.
Với Dung, 5,5 triệu chả thấm tháp vào đâu. Sáu, bẩy năm trời ở nhà trông con, Dung chẳng dám may sắm cho mình dù là một bộ quần áo mới. Nhìn bạn bè phơi phới, chồng chúng nó kiếm được nhiều tiền về cho vợ cho con mà Dung thấy phát thèm. Đôi khi, trong mơ, Dung từng mơ cả nhà được đi xe hơi đắt tiền, đi vào ăn ở những nhà hàng sang trọng… Tỉnh giấc, Dung nuối tiếc cảm giác hạnh phúc trong giấc mơ.
Hôm nay bé Bông vào lớp 1, ngoài các khoản đóng góp chung, nhà trường yêu cầu thu thêm 1 triệu tiền xây dựng và các khoản phụ phí. Vét sạch sẽ trong ví cũng chỉ được 890 ngàn. Thấy vẻ bần thần của Dung, người đàn ông có con học cùng lớp với Dung tế nhị: “Chắc chị không biết hôm nay khai giảng nhà trường thu tiền luôn. Thôi, chị lấy tạm tiền của tôi đóng học phí cho cháu chị à. Mình cùng hội phụ huynh trong lớp mà”.
Dung nhìn người đàn ông lịch lãm ái ngại. Chần chừ mãi cuối cùng, không còn cách nào khác, Dung đành mượn tạm tiền của người đàn ông tốt bụng… Suốt cả ngày nay trong lòng Dung ấm ức, vậy mà Bình đi biền biệt không về. Tối đến, một nách Dung quay ra quay vào với hai đứa trẻ, trông chờ mỏi mắt chẳng thấy Bình về. Vậy mà vừa về đến nhà, Dung đã bình thấy Bình mặt mày bừng bừng hơi rượu. Dung vừa mới mở mồm nói với chồng tiền chi tiêu đã cạn, cô phải mượn tiền của một phụ huynh cùng lớp đóng tiền học cho con, lập tức Bình nổi xung… Cứ thế là thành to tiếng…
Đêm trời chuyển gió, thốc vù vù vào nhà. Dung trở dậy đi đóng cửa sổ. Ra đến phòng khách, bắt gặp hình ảnh Bình ngủ vùi trên ghế sô-pha, người co ro vì lạnh. Lâu lắm rồi Dung mới lại ngắm nhìn thật kỹ khuôn mặt của chồng. Và lâu lắm rồi, hôm nay Dung mới chợt nhận ra, rằng Bình gầy, già và hốc hác đi nhiều.
Bao nhiêu tức giận tan biến tự bao giờ, Dung chỉ còn thấy xót xa và thương chồng đến quay quắt. Hóa ra bấy lâu, Dung chỉ đòi hỏi và ca thán chồng mà quên mất chia sẻ, chăm lo cho Bình… Mưa nặng hạt. Những giọt nước mắt của Dung, tự bao giờ cứ lặng lẽ rơi trên người Bình.
Theo Hạnh phúc gia đình