Hỏi: Sau khi thuận tình ly hôn, chồng cũ nhận nuôi con trai 6 tuổi nhưng anh ta lại không trực tiếp nuôi con mà gửi cháu về cho ông bà nội ở quê chăm sóc. Tệ hơn, anh ta kê khai khống các khoản chi phí để yêu cầu tôi phải cấp dưỡng nuôi con tới 15 triệu đồng mỗi tháng.
Xin luật sư cho biết pháp luật quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con là bao nhiêu % trên mức thu nhập của vợ/ chồng? Tôi phải làm gì khi chồng cũ cố tình khai khống những chi phí nhằm tăng mức cấp dưỡng nuôi con?
Trả lời: Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn như sau: “1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. 2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Như vậy, nếu chị không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Về mức cấp dưỡng nuôi con, Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng để quyết định người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện trách nhiệm một khoản tiền trong khả năng thu nhập.
Bên cạnh đó, mức cấp dưỡng còn căn cứ vào những chi phí của người được cấp dưỡng đưa ra, đương nhiên nếu là chi phí hợp lý. Mức cấp dưỡng có thể do hai bên thỏa thuận và có thể thay đổi phụ thuộc vào nhu cầu hoặc sự dao động về giá cả, các khoản chi phí.
Trường hợp chồng cũ của chị đưa ra những chứng từ, hóa đơn khống để tăng tiền cấp dưỡng nuôi con nếu xét thấy những chi phí đó không hợp lý thì Tòa sẽ không giải quyết. Nhưng để chủ động, chị cũng phải đưa ra những căn cứ chứng minh những chi phí đó không có thật hoặc không hợp lý.
Nếu có căn cứ cho rằng chồng cũ cố tình mang con ra làm điều kiện để buộc chị phải cấp dưỡng với mức cao trong khi con chung của hai người không được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, chị có quyền khởi kiện thay đổi người nuôi con với điều kiện chị phải đưa ra các chứng cứ chị có đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục con và bảo đảm cuộc sống của con.