Lần lượt lấy chồng, lần lượt bỏ về nhà mẹ đẻ
Bước vào đầu làng, hỏi thăm “ngõ 7 cô”, một cụ ông chỉ đường rất chi tiết, kèm câu nói: “Ở đây ai cũng biết ngõ đó nhưng không mấy ai dám đến. Ngõ ấy toàn người không chồng hoặc nhà có người chết trẻ thôi, nói chung có nhiều chuyện lạ không ai có thể giải thích được”.
Nhà bà Đỗ Thị Chín - người đầu tiên bỏ chồng ở “ngõ 7 cô”, nằm gần cuối ngõ. Đó là một ngôi nhà cấp bốn 3 gian bé nhỏ tuềnh toàng, bên trong rất ít vật dụng. Bà Chín ngoài 60 tuổi, dáng vẻ lam lũ, xởi lởi mời khách vào nhà, vừa rót nước vừa tỏ ý băn khoăn về sự xuất hiện của những người khách lạ. Bà cho biết, ít có người lạ vào ngõ lắm, người trong làng lại càng ít hơn. Từ đây, câu chuyện về ngõ không chồng mà người làng vẫn truyền tai nhau khoảng gần hai mươi năm nay cũng được bà nhắc đến.
Bà Chín kể: “Tôi lấy chồng khi 23 tuổi, là cô gái đầu tiên ở con ngõ này xuất giá. Đẻ được đứa con đầu tiên thì vợ chồng lục đục, cãi vã, toàn những chuyện vặt vãnh thôi nhưng cũng khiến hạnh phúc rạn nứt. Chồng tôi bỏ nhà đi liên miên, gần như không đoái hoài gì đến vợ con. Ở làng quê này, mọi chuyện vẫn còn phong kiến lắm nên dù không có hạnh phúc nhưng chúng tôi vẫn cố sống tiếp với nhau và có được 3 đứa con. Đến tận năm 1988 khi đứa con thứ ba vừa tròn một tuổi, chúng tôi mới chính thức chia tay. Ngày tôi đưa con về nhà mẹ đẻ, làng xóm cũng nhiều dị nghị, cũng may mẹ tôi hiểu và thông cảm nên tôi đỡ khổ hơn. Mặc kệ người làng chỉ chỏ, tôi chỉ biết chúi đầu vào làm để nuôi 3 đứa con nên người”.
Theo lời kể, không lâu sau khi bà Chín ôm con về nhà lại đến lượt bà Vũ Thị Thân. Tìm gặp bà Thân, người phụ nữ dường như không để ý đến thân phận “bỏ chồng”, vẫn hào hứng cho biết: “Ở con ngõ này lạ lắm, ai đi lấy chồng trước thì ôm con về trước, ai lấy cuối cùng thì cũng là người cuối cùng bỏ chồng về nhà mẹ. Chị Chín “mở hàng” cho các cô gái làng xuất giá thì cũng là người đầu tiên bỏ chồng và không ngại ngần mang con về nhà mẹ. Tôi lấy chồng thứ hai thì tôi cũng là người thứ hai bỏ chồng. Chị Vũ Thị Nguyệt lấy thứ ba thì cũng là người thứ ba ly dị chồng. Cứ thế, lần lượt là chị Dương Thị Thu, Vũ Thị Thu, Vũ Thị Thơm, Nguyễn Thị Thủy. Có những người bỏ chồng chỉ vì lý do rất vớ vẩn, như bị bố chồng mắng cho một câu cũng giận dỗi đòi ly dị, mặc kệ người chồng gần nửa năm trời vẫn qua lại nỉ non khuyên nhủ quay về”.
Bà Thân cho biết, chỉ đến khi người phụ nữ thứ ba của ngõ ôm con bỏ về nhà mẹ thì mọi người mới bắt đầu lo lắng về một cái dớp không may nào đó. Đến khi người phụ nữ thứ bảy trong con ngõ quyết tâm đoạn tuyệt với chồng thì người làng chính thức gọi con ngõ này là “ngõ 7 cô”. Ngay cả bây giờ, khi ngõ có đến cả chục người đàn bà đơn thân thì nó vẫn mang tên “ngõ 7 cô”.
Con gái bỏ chồng, con trai chết trẻ
Khi con gái trong ngõ lấy chồng lại lần lượt bỏ chồng, ôm con về, những người lớn tuổi mới bắt đầu lật lại câu chuyện năm xưa người làng đã đập vỡ tượng thần Hộ Pháp ở đình Vĩnh Hưng mang về tôn cao ngõ, cho rằng, có thể số phận các cô gái bất hạnh trên có liên quan đến việc này.
Bà Thân nhỏ giọng kể: “Cách đây khoảng 40 năm, khi ấy chúng tôi mới 15-16 tuổi, tất cả thanh niên trong ngõ được huy động sang làng Vĩnh Hưng, chở một tượng Hộ Pháp đã được đập bỏ để về tôn lại ngõ cho cao ráo. Chúng tôi, cả gái cả trai đều hào hứng tham gia, và có lẽ câu chuyện cũng dần bị lãng quên nếu các cô gái trong ngõ không lần lượt đứt gánh giữa đường”.
Khi người phụ nữ thứ ba trong con ngõ bỏ về nhà mẹ đẻ, bắt đầu có nhiều người xì xào nhắc lại việc chở tượng Hộ Pháp năm xưa. “Khi đó mẹ tôi và các cụ già đã mời thầy về xem. Nhiều thầy cũng nói, hàm ý chúng tôi bị quở phạt về hành vi năm xưa, phải làm lễ giải hạn, sám hối trước cửa đình, cửa đền… Nhưng thời ấy, chúng tôi mải làm nuôi con có ai để ý đến đâu. Hơn nữa, cũng nghĩ có lẽ chỉ do ngẫu nhiên thôi, nên kệ, cứ bàn lùi rồi không ai để ý nữa”.
lBà Chín là người “mở hàng” cho các cô gái trong ngõ xuất giá, và cũng là người đầu tiên ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ. |
Nói là “không để ý” nhưng những người trong ngõ vẫn nhìn nhau xem có nhà nào xảy ra chuyện gì không. Chưa nhà nào gặp tai họa gì, chỉ thấy lần lượt bốn cô gái nữa lại bỏ chồng về. Sau đó bắt đầu có thêm những gia đình khác, mới cưới dâu về chưa được bao lâu thì con trai lần lượt chết trẻ. Đến khi có một gia đình mà cả nhà gặp tai họa thì người làng thực sự sợ hãi.
Bà Chín cho biết: “Nhà ông Hoạch, hàng xóm nhà tôi mới thực sự bất hạnh. Đứa con trai thứ hai của ông mất do bệnh hiểm nghèo chưa được bao lâu thì đến con dâu cả cũng bị tai nạn giao thông ngay gần nhà, chết tại chỗ. Chưa mãn tang hai đứa con, ông lại phải lo đám ma cho đứa cháu nội mới hơn 10 tuổi. Bây giờ, hình như ông cũng đang mang bệnh ung thư, ngày ngày chỉ lầm lũi đi lại, không chuyện trò với ai”.
Ám ảnh chuyện phá tượng Hộ Pháp về làm ngõ
Danh sách những người trong ngõ gặp chuyện chẳng lành sau đó ngày một dài khiến mọi người đều lo lắng. Các cụ già ngày đêm họp bàn, lại tiếp tục mời thầy về xem. Mỗi thầy một ý nhưng cũng có người nhắc đến chuyện người trong ngõ đã từng mạo phạm thần thánh.
“Mỗi người một ý thành ra chúng tôi không biết tin vào đâu. Sau bảy chị em chúng tôi ly dị chồng lại có thêm hai người phụ nữ trẻ góa chồng. Rồi còn cô bé đầu ngõ nữa, sinh năm 1985, mới cưới chồng chưa bao lâu mà cũng lại xách đồ về lại nhà mẹ rồi. Hình như cả con ngõ này, không nhà nào là không gặp chuyện không may gì đó”, bà Thân kể với giọng lo lắng.
Câu chuyện chở tượng Hộ Pháp về đắp ngõ đã xảy ra cách đây khoảng 40 năm, nhưng gần đây luôn được người dân ở đây nhắc đến. Họ vẫn ngày ngày sống trong lo âu, phấp phỏng, sợ vì chuyện mạo phạm thần thánh ngày xưa mà con cái họ làm ăn lận đận, hoặc phải tha phương kiếm sống, hoặc dang dở tình duyên.
Bà Chín tâm sự: “Tôi không mê tín nhưng có lẽ những chuyện không may xảy ra cũng có phần bị thần thánh trách phạt thật. Ngày xưa còn nông nổi nên tôi mới cùng đám thanh niên hào hứng chở tượng Hộ Pháp về ngõ, bây giờ, ngày ngày tôi đọc kinh, niệm Phật, sám hối về việc làm ngày ấy để tâm mình bình an. Tôi cũng rủ các chị hàng xóm tham gia cùng mình, mong tìm bình yên cho mình, cho con cháu đời sau”.