Hiện tượng lãng phí sức lao động
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đã và đang mang lại nhiều sự thay đổi cơ bản về kinh tế, xã hội trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sự bùng nổ và phổ biến của Internet và các công nghệ kỹ thuật số đem đến nhiều cơ hội cho tầng lớp thanh niên.
Từ đó mở ra vô vàn cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên, không còn gò bó trong nghững ngành nghề cơ bản, một số hình thức làm việc mới xuất hiện đã bổ sung cho các hình thức sáng tạo nội dung truyền thống. Nói không ngoa khi cho rằng, thời đại này là thời đại của thanh niên và thanh niên sẽ làm chủ khoa học công nghệ.
Vậy nhưng trong xã hội ngày nay lại đang xuất hiện hiện tượng lãng phí sức lao động ở một bộ phận thanh niên. Đó là những bạn trẻ có tri thức, có nền tảng giáo dục và cơ hội phát triển trong lương lai nhưng lại phí hoài tài nguyên, sức lao động đó vào những công việc không phù hợp, không đúng chuyên môn để tận dụng “đất dụng võ” của mình hay thậm chí là thất nghiệp thời gian dài.
Bạn M.Ngọc (1997, Hà Nội), cử nhân của một trường đại học về kinh tế tại Hà Nội chia sẻ về nghề nghiệp của mình: “Từ khi ra trường tới nay em đã liên tục nhảy việc mấy lần, việc chuyên ngành có, không cùng chuyên ngành cũng có nhưng đều không có kết quả. Hiện em đang làm nhân viên part time tại một quán cafe trên đường Bà Triệu được hơn 1 năm nay. Công việc này dù không giúp em phát triển bản thân hay áp dụng những gì đã được học nhưng lại khá nhàn và cho em nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Em hài lòng với công việc này.”
Có thể thấy, đây là tình trạng của nhiều bạn thanh niên hiện nay. Rất nhiều bạn trẻ dành thời gian, công sức, tiền bạc từ 3 – 5 năm ngồi trên ghế giảng đường để tiếp thu tri thức, xây dựng nền tảng giáo dục vững chắc với các kỹ năng chuyên ngành. Nhưng khi ra trường lại không tận dụng tài nguyên đó vào công việc đúng chuyên môn, đúng ngành nghề để cống hiến tri thức, sử dụng sức lao động tối ưu cho sự phát triển của đất nước. Các bạn chọn cho mình một con đường dễ dàng hơn với những công việc dễ xin dễ nghỉ như part time, công việc chân tay hoặc những công việc không cần sử dụng đến tấm bằng cao đẳng, đại học.
... và nguyên nhân
Vậy nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ đâu? Đầu tiên là từ nguyên nhân chủ quan của chính các bạn thanh niên. Đã từ lâu, đối với nhiều em học sinh kỳ thi đại học không còn là kỳ thi quyết định đời người nữa. Việc lựa chọn ngành nghề, ngôi trường theo đuổi không còn quá quan trọng. Nhiều em còn chọn trường theo bạn bè, chọn nghề theo “mốt”, dễ kiếm tiền, chọn nghề dựa vào may rủi….
Những quyết định đó đều xuất phát từ việc các bạn trẻ không hiểu rõ sở trường, đam mê của bản thân, không xác định mục tiêu cho tương lai. Tâm lý “học đại học cho có” hay “chọn đại để vào đại học” xuất hiện ngày càng nhiều thời gian gần đây. Đáng lo ngại hơn, tâm lý “người sao, mình vậy” đang biến giới trẻ thành một thế hệ “ai cũng như ai”, mọi cá tính và bản sắc riêng đều bị hạn chế, không có cơ hội phát triển.
Chọn đúng nghề nghiệp – Thành công tương lai |
Vì chọn sai trường, sai nghề ngay từ đầu nên các bạn trẻ không có hứng thú với việc học, chán học và mất tập trung suốt quá trình giảng dạy. Nếu có học cũng chỉ học cho có, học “vẹt” chứ không học thật và tiếp thu được kiến thức. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai nghề nghiệp của các bạn. Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy có đến 37% sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, 57% phải học thêm ngành khác để chờ đợi cơ hội tìm được việc làm ưng ý.
Nguyên do chủ quan thứ hai là khi thanh niên chọn cách sống “an phận thủ thường”. Khi những người khác chuyển động nhanh dần đều về phía trước để theo kịp sự phát triển chung của xã hội thì nhiều thanh niên lại chọn cách sống an phận, bỏ phí những điều quý giá của đời người là tuổi trẻ và thời gian.
Thay vì thử thách bản thân, thử sức ở những công việc ổn định, lâu dài, các bạn lại e ngại, không đủ tự tin để trải nghiệm, dù biết sẽ khó khăn, sẽ có những tháng ngày làm việc không lương nhưng giá trị, kinh nghiệm các bạn thu được là vô giá. Ngại thay đổi, thiếu quyết đoán, tự tin là những nguyên nhân khiến bạn trẻ chấp nhận sống an phận.
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan cũng ảnh hưởng không ít đến hiện tượng này. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn, lưc lượng lao động, số người có việc làm giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước. Khiến thanh niên khó khăn trong việc tìm việc làm đúng ngành đúng nghề, ít cơ hội tuyển dụng.
Nguyên nhân khách quan thứ hai là nhu cầu thị trường, nhà tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn. Trong một nền kinh tế phát triển với những biến động khôn lường và trong thời gian dịch bệnh khó khăn, ngày nay các doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi cao hơn. Ngoài chuyên môn cho từng vị trí công việc, nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi nhiều kỹ năng khác mà ứng viên cần phải biết.
Chính những yêu cầu này đã khiến cho nhiều thanh niên chùn bước, không dám thử sức bản thân mình. Nhất là khi đã thất bại nhiều lần, nhiều bạn sẽ buông bỏ và chấp nhận kết quả. “Hồi mới ra trường mình đã từng đi xin việc ở nhiều nơi, nhưng hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. Đâu đâu cũng đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng sẵn có. Nhưng mình mới ra trường đâu có những thứ đó. Nhiều lần như vậy nên mình nản và lựa chọn công việc giao hàng để trang trải sinh hoạt cá nhân”, bạn H.Đức (1996, Hưng Yên) tâm sự.
Lối đi nào?
Vậy lối đi nào phù hợp cho thanh niên trong thời kỳ kinh tế, xã hội biến động khôn lường? Trước hết để có thể thay đổi, biến hóa tùy theo tình hình, thanh niên cần có bản lĩnh vững vàng và nền tảng giáo dục vững chắc, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn.
Để làm được điều đó, thanh niên Việt Nam cần được định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp, học tập phù hợp với năng lực và sở trường. Biết theo đuổi đam mê và đặt ra mục tiêu để phấn đấu. Tránh tình trạng học tập, làm việc không đúng chuyên môn, gây lãng phí thời gian, tiền bạc.
Hai là, “học nữa học mãi”, phải luôn giữ tinh thần, ý chí và nghị lực học tập, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm không ngừng. Nghị lực học tập phải được thể hiện qua sự quyết tâm, bền bỉ từng ngày chứ không thể học dồn một lúc, học cho xong, “học tới đâu hay tới đó” hoặc chỉ cần tặc lưỡi lười biếng một thời gian là tinh thần và ý chí học tập sẽ đi xuống. Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật làm cho cái mới cũng trở nên cũ rất nhanh, chỉ cần buông xuôi không cập nhật là trở nên lạc hậu ngay lập tức với thời cuộc, xu thế, công nghệ.
Cuối cùng là cố gắng vì bản thân mình mỗi ngày, đừng “an phận thủ thường”, bỏ cuộc ngay khi chưa cố gắng. Thật ra, làm bất kỳ ngành nghề nào cũng đều đáng quý nếu như đồng tiền mà họ kiếm được bằng chính công sức của bản thân và trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người trẻ chấp nhận an phận trong khi họ còn có thể tiến xa hơn nữa, bởi họ đang sở hữu những điều quý giá nhất của đời người, đó là thời gian, sức khỏe, sự năng động, cơ hội để học tập, cơ hội trải nghiệm cuộc sống…
Thanh niên khi có đủ năng lực, nhiệt huyết, sự mạnh mẽ, tự tin, cầu tiến thì sẽ có vô vàn cơ hội nghề nghiệp ập đến và luôn sẵn sàng đón nhận. Khi đó những yếu tố khách quan như dịch bệnh, biến đổi thị trường,… sẽ không thể làm khó các bạn trẻ. Thanh niên ngày nay cần lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, phát huy tối đa tài nguyên tri thức, sử dụng sức lao động tối ưu không chỉ tốt cho bản thân mà còn trở thành những người có ích cho cộng đồng, cho đất nước.
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), năm 2021, tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt mốc 4% (cao nhất 10 năm qua). Trong đó, xu hướng thất nghiệp phổ biến ở nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao đẳng hoặc đại học trở lên. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường và thanh niên có tay nghề, không tìm được việc làm phù hợp là một vấn nạn phổ biến những năm gần đây.