Chốn bình yên của những người mất trí nhớ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) -Những cư dân ở Hogewey – ngôi làng nằm ở thành phố Weesp - phía bắc Hà Lan – có cuộc sống thoạt nhìn khá bình thường. Họ tới cửa hàng thực phẩm, than phiền về thời tiết và cùng nhau tụ tập chơi những trò chơi vui nhộn vào cuối tuần. Tuy nhiên, có một điểm khiến ngôi làng gồm 152 dân cư khác với đa số những cộng đồng khác: mọi người ở đây đều bị mắc chứng mất trí nhớ.

Ngôi làng độc nhất

Hogewey là một ngôi làng nằm tách biệt với thế giới bên ngoài ở thị trấn nhỏ Wheesp, ngoại ô thành phố Amsterdam. Được đặt cho biệt danh “ngôi làng của những người mất trí nhớ”, trên thực tế, đây là cơ sở chăm sóc người già theo mô hình mới mà ở đó 152 người dân có được cơ hội sống như bình thường dù họ đều là những người bị bệnh mất trí nhớ Alzheimer nghiêm trọng. 

Theo lời kể của ông van Hal – quản lý ngôi làng – ban đầu, đây là một cơ sở dưỡng lão được tổ chức và vận hành giống như một bệnh viện. Tuy nhiên, ít lâu sau đó, các nhân viên ở đây nhận ra rằng có những cách thức để việc chăm sóc người bệnh trở nên tốt hơn, nhân văn hơn. 

“Chúng tôi hỏi nhau rằng mình muốn gì cho bản thân và cho bố, mẹ mình nếu bố mẹ mình cũng bị bệnh như vậy?”, ông van Hal kể lại. Sau cùng, các nhân viên đều có chung quan điểm rằng tất cả mọi người dù trong bất cứ trường hợp nào đều muốn có được sự bình thường, ít nhất là ở cách thức chăm sóc người bệnh của các điều dưỡng. 

Từ sự thống nhất như vậy, Hogewey đã ra đời. Có diện tích bằng khoảng 10 sân bóng cộng lại, giống như hầu hết những ngôi làng bình thường khác, Hogewey cũng có quảng trường thị trấn, có nhà hát, có vườn cây, có bưu điện. Tuy nhiên, không giống như những ngôi làng khác, ở ngôi làng này có các camera theo dõi hoạt động của các cư dân trong cả ngày. Còn nữa, ngôi làng cũng chỉ có duy nhất 1 cửa vào và một cửa ra. 

Ở đó không có giường bệnh hay những hành lang dài heo hút như ở những nhà dưỡng lão khác. Những người được điều trị ở đây được chia thành từng nhóm bao gồm từ 6 đến 7 người sống chung trong một ngôi nhà, mỗi ngôi nhà như vậy sẽ có từ 1 đến 2 điều dưỡng. Điều dưỡng này sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc nấu nướng, đưa các cư dân tới tham dự các sự kiện xã hội, giúp họ đi mua đồ tạp hóa tại chợ làng và theo dõi để đảm bảo an toàn cho họ. 

Toàn bộ những người dân sống trong khu làng này được 250 y tá và các chuyên gia y tế, bao gồm cả những người làm việc toàn thời gian và những người làm việc bán thời gian theo dõi, chăm sóc sức khỏe. 

Để đảm bảo môi trường thân thiện nhất với bệnh nhân, các y tá và chuyên gia chăm sóc sức khỏe đều khéo léo đóng vai những người dân trong làng, ví dụ như thu ngân, nhân viên tại cửa hàng tạp hóa, nhân viên bưu điện hay người làng thường xuyên đi lại để quan sát. Tất cả là một phần của hệ thống an ninh được thiết lập nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư sống ở đó.

Có lẽ yếu tố đặc biệt nhất của cơ sở chăm sóc người già này so với các cơ sở khác là cách tiếp cận trong việc xây dựng những ngôi nhà. Cụ thể, Hogeway có tổng cộng 23 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà đều được thiết kế một cách độc đáo và độc nhất. Đồ đạc trong đó được trang trí theo đúng gu ở thời điểm mà trí nhớ ngắn hạn của những cụ ông, cụ bà sống ở đó ngừng hoạt động một cách bình thường. 

Chính vì vậy ở đó có những ngôi nhà được trang trí theo phong cách từ những năm 1950, 1970 nhưng cũng có những ngôi nhà theo kiểu các thập niên đầu của những năm 2000. Toàn bộ đồ đạc trong đó đều được chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết để những người sống ở đó cảm thấy như đang ở nhà mình. 

Tại Hogeway, các nhân viên đều được đào tạo để tập trung nêu bật những việc mà những người bệnh ở đây có thể làm được chứ không phải những việc họ không thể làm được. Vì vậy các cư dân đều được khuyến khích tự làm hết mọi việc. 

Ví dụ, tài chính thường là một trong những kỹ năng sống khó khăn nhất đối với những người mắc bệnh mất trí nhớ hay Alzheimer. Tại ngôi làng này, tất cả mọi chi tiêu đều đã được tính toán và gói gọn trong khoản tiền mà gia đình người bệnh phải trả. Nhờ đó mà trong phạm vi ngôi làng không có việc giao thương bằng tiền thật.

Tuy nhiên, để những người bệnh không có cảm giác lạc lõng với thế giới, những người quản lý ngôi làng đã đưa ra một loại tiền tệ riêng, chỉ có giá trị sử dụng trong làng. Theo đó, vào mỗi tháng, tùy thuộc vào ngân sách, những người bệnh sẽ được phát cho một số tiền nhất định. Những nhân viên ở làng sau đó sẽ giúp những người bệnh mua hàng hóa bằng tiền của riêng làng tại các siêu thị, chợ như tất cả những siêu thị, khu chợ khác ở thế giới bên ngoài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự cô đơn cũng nguy hiểm tương đương hút thuốc lá và nguy hiểm gấp đôi bệnh béo phì về mức độ chết người. Chính vì vậy, Hogewey tích cực khuyến khích những người già vận động về mặt thể chất để đảm bảo đầu óc và cơ thể không bị ì trệ. Ở đó, những người già được khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội như dạo bộ, mua sắm và cả tham gia những câu lạc bộ đêm, xem ca nhạc, tán gẫu với hàng xóm… 

Để tăng cường tính kết nối với thế giới bên ngoài, gia đình và bạn bè của những người sống ở làng cũng được khuyến khích thường xuyên đến thăm người thân của mình. Một số người đến đây hàng ngày, khiến cho cuộc sống của các cư dân trong làng khá bình thường. 

Mô hình của Hogeway đến nay được đánh giá rất cao. Về kết quả cụ thể, theo một báo cáo, lượng thuốc mà những người sống ở Hogewey phải uống đã giảm đi sau một thời gian họ đến đây sinh sống. Họ ăn tốt hơn, sống lâu hơn và vui vẻ hơn so với những người sống ở những trại dưỡng lão tiêu chuẩn khác.

Hướng đi mới trong việc điều trị bệnh mất trí nhớ?

Chỉ những người được xếp vào nhóm bị mất trí nhớ hoặc bị bệnh Alzheimer nghiêm trọng mới được nhận vào sống ở Hogeway. Ở đây cũng hiếm khi trống chỗ bởi chỗ trống chỉ có khi một người dân của làng qua đời. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, ngôi làng gần như luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất. 

Hogewey chủ yếu hoạt động bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Hà Lan. Ngôi làng này mất đến 25 triệu USD để xây dựng. Chi phí chăm sóc một người bệnh ở đây là gần 8.000 USD/tháng nhưng Chính phủ Hà Lan trợ cấp cho các cư dân của làng nên chi phí chăm sóc người bệnh hàng tháng được giảm khá nhiều.

Số tiền mà các gia đình phải trả khi có người thân ở đây được tính dựa trên thu nhập của gia đình. Mặc dù vậy những người sống trong làng vẫn có phòng riêng, được trang bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu.

Tại nhiều nhà dưỡng lão thời gian qua đã phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến việc chăm sóc người bệnh, như không cho họ ra ngoài nhiều, không chú ý đến các nhu cầu thiết yếu của người bệnh… khiến chất lượng cuộc sống của họ bị giảm đi. Tuy nhiên, tại Hogewey, các nhân viên đều tập trung thúc đẩy lối sống tích cực cho người bệnh. 

“Cách tiếp cận thân thiện với môi trường để giảm các vấn đề cả về hành vi và nhận thức với người bị bệnh mất trí nhớ chính là chìa khóa để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh mà không cần dùng quá nhiều thuốc”, bác sỹ Paul Newhouse – Giám đốc trung tâm y tế Vanderbilt – nhận định.

Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy các hoạt động cộng đồng không chỉ giúp việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn mà còn là cách điều trị bệnh toàn diện và thân thiện hơn. Bởi, thông thường, những người mắc các bệnh về tâm thần nghiêm trọng thường bị cô lập mà theo một nghiên cứu do Tạp chí khoa học thần kinh tự nhiên thực hiện, việc bị cô lập sẽ làm giảm sản xuất myelin – một chất xơ duy trì các tế bào thần kinh của chúng ta, đồng nghĩa với việc các phương pháp điều trị theo kiểu tách biệt người bệnh với cuộc sống sẽ chỉ làm cho bệnh tâm thần trở nên tồi tệ hơn.

Vô số các nghiên cứu khác cũng đã cho thấy những bệnh nhân bị mất trí nhớ cảm thấy cô đơn hoặc bị cô lập trong quá trình điều trị. 

Tại các nhà dưỡng lão truyền thống, những nhân viên ở đó có thể công khai nói chuyện với những người bệnh rằng, họ bị bệnh, không thể chăm sóc được cho bản thân, rằng họ liên tục nhớ trước quên sau. Nhưng ở Hogewey, những người sống ở đây được hưởng môi trường sống như ở nhà. Cách tiếp cận này đến nay đã chứng tỏ được sự thành công và đang được xem là hướng đi đáng tham khảo trong việc điều trị bệnh mất trí nhớ. 

Kể từ khi Hogewey đi vào hoạt động đến nay, các chuyên gia về căn bệnh mất trí nhớ từ Mỹ, Anh, Ireland, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Sỹ và nhiều nơi trên thế giới cũng đã tìm đến đây để tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhằm đối phó với một trong những vấn đề đang nổi lên như một thách thức toàn cầu, nhất là trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số đang trở nên nhanh hơn ở các nước trên thế giới. 

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.