Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM cho biết đã khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho trẻ lớp 1 đi học trực tiếp. Khảo sát diễn ra ở 560 trường tiểu học. Tổng số học sinh lớp 1 là hơn 131.244 em. Số người tham gia cho ý kiến là 121.759. Trong đó có 36.316 phụ huynh đồng ý cho con học trực tiếp (29,82%), hơn 85.400 người không đồng ý (hơn 70%).
Một số trường ở nội thành chỉ có 10-20 phụ huynh đồng ý cho con đi học như: Đống Đa, Bến Cảng, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Huệ 1 (quận 4); Trần Quang Diệu, Trần Văn Đang (quận 3). Đáng chú ý, một số trường tiểu học ngoài công lập chỉ có một vài phụ huynh, thậm chí không có ai đồng ý cho con đến trường.
Ở ngoại thành, nhiều trường ở huyện Củ Chi, Cần Giờ cũng chưa đầy 20 phụ huynh có con học lớp 1, đồng ý học trực tiếp như: An Nhơn Tây, Thị trấn Củ Chi 2, Trung Lập Thượng, Nhuận Đức, Nhuận Đức 2 (huyện Củ Chi); Lý Nhơn, Đồng Hòa (huyện Cần Giờ).
Theo kế hoạch của UBND TP HCM, học sinh lớp 1, 9, 12 sẽ đến trường từ ngày 13/12. Trẻ mầm non 5 tuổi được đến trường từ ngày 20/12. Riêng tại huyện Cần Giờ, học sinh tất cả khối lớp của Trường Mầm non Thạnh An, Tiểu học Thạnh An, THCS-THPT Thạnh An học trực tiếp từ ngày 13/12.
Việc dạy học trực tiếp được thí điểm trong 2 tuần, sau đó thành phố sẽ họp đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi quyết định mở rộng quy mô cho học sinh đến trường.
Sở GD-ĐT TP HCM cũng hướng dẫn dạy cho học sinh lớp 1 sẽ tuỳ vào cấp độ dịch sẽ tổ chức dạy học tương ứng. Theo đó, các cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 1: Học sinh lớp 1 đi học một buổi/ngày, học sinh các khối khác tiếp tục học trên môi trường Internet. Riêng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) tổ chức học trực tiếp cho tất cả các khối lớp. Đối với các cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 2: Học sinh lớp 1 đi học một buổi/ngày, mỗi buổi không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối.
Các cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 3: Học sinh lớp 1 đi học ba buổi/tuần, mỗi buổi không quá 50% sĩ số học sinh toàn khối. Tất cả học sinh tham gia học tập trên môi trường Internet đối với các cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 4.
Còn tại Hà Nội, suốt một tuần qua, số ca F0 không ngừng tăng tốc với trung bình 500-600 ca/ngày. Sự gia tăng không ngừng của các ca bệnh khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng trước dự kiến cho học sinh các khối 10, 11, 12 các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đi học trở lại.
Hiệu trưởng một trường cấp 3 trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, sau khi Sở GD-ĐT thành phố ra thông báo về việc cho học sinh các khối 10, 11, 12 trở lại trường, rất nhiều phụ huynh nhắn tin, gọi điện đến bày tỏ lo ngại và thể hiện quan điểm không muốn cho con em đi học trực tiếp, đồng thời đề nghị Ban giám hiệu gửi văn bản cho Sở và Phòng GD-ĐT thành phố xin lùi thời gian đi học trực tiếp. Trước thái độ bất hợp tác và quyết liệt đó của phụ huynh nhiều trường, ngay lập tức Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã có công văn điều chỉnh việc học trực tiếp cho một số khối cấp.
Đa số phụ huynh bày tỏ quan ngại không muốn cho con đến trường học trực tiếp vì chưa bảo đảm miễn dịch. Theo anh Lê Văn Hải (Gia Lâm, Hà Nội): “Trước giờ các con vẫn học online, bây giờ học thêm online nữa cũng không sao. Các con học online ở nhà cha mẹ và bản thân các con cũng an tâm, chứ đi học mà lúc nào cũng áp lực thì khổ lắm!”.
Tán thành ý kiến này, chị Dương Ngọc (phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) cũng khẳng định: “Cho các con đi học thời điểm này quá bất an vì dịch lan trong cộng đồng nhanh quá, các con thì mới tiêm mũi 1”. Chị Đinh Quỳnh Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thể hiện quan điểm: “Tôi ủng hộ quyết định này của Sở GD-ĐT vì các cháu mới được tiêm mũi 1 vaccine được ít ngày nên không thể đảm bảo miễn dịch”.
Chị Nguyễn Thị Phương (Đông Anh, Hà Nội) thì lại đưa ra một gợi ý là Sở GD-ĐT Hà Nội nên tiến hành song song 2 loại hình dạy và học cho học sinh THPT, vừa dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp để phụ huynh và học sinh tự lựa chọn. Phụ huynh và học sinh nào chọn học trực tiếp thì đăng ký, còn phụ huynh và học sinh nào muốn an toàn thì đăng ký học trực tuyến, cuối năm học sẽ tổ chức thi riêng cho 2 loại hình học tập trong mùa dịch này. Bên cạnh đó chị kiến nghị nhà trường và Sở GD-ĐT nên giảm tải chương trình học cho học sinh, chỉ dạy những gì cần thiết nhất.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khóa XV; Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam, Hà Nội nên cho học sinh đi học trở lại nhưng phải đảm bảo an toàn vì đây là nhu cầu chính đáng của các em. Việc học trực tuyến sinh viên đại học còn tạm ý thức được, học sinh các cấp không thể học trực tuyến mãi được vì học quá lâu rất ảnh hưởng, thậm chí có hại cho học sinh.
Để tổ chức cho học sinh đi học trở lại được an toàn, GS Nguyễn Anh Trí lưu ý một số điểm: Thứ nhất, an toàn phải được thực hiện từ gia đình đến trên đường đi và tại lớp học (chứ không chỉ duy nhất tại lớp học). Trong 3 giai đoạn trên thì an toàn tại gia đình là điều quan trọng số 1; Thứ hai, an toàn tại trường phải đảm bảo thực hiện nghiêm 5K, nên khoanh vùng nơi học sinh vui chơi để hạn chế tiếp xúc với các lớp khác. Nếu có điều kiện, nhà trường nên tổ chức 3 tại chỗ cho học sinh (ăn, ngủ, học ngay trên lớp); Thứ ba, nên tổ chức tốt mạng lưới y tế ở các trường để thường xuyên theo dõi sức khỏe cho học sinh.