Để giải quyết vụ việc mà đương sự cho rằng Cục Thi hành án Dân sự (THADS) tỉnh không chịu thi hành, Cục THADS đã phải kiến nghị Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm do án tuyên chưa rõ, đánh giá chứng cứ chưa khách quan nên không thể thi hành án được... Trường hợp mà chúng tôi muốn đề cập sau đây tại Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) là một ví dụ.
Cấp giấy khi đang tranh chấp
Chuyện là, theo hồ sơ (năm 2002), bà Nguyễn Thị Hóa (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) sang nhượng của bà Võ Thị Thôi thửa đất 6.500m2, cùng lúc bà Hóa mua của ông Tống Văn Thanh (xã Phước Thuận) một thửa diện tích gần 15,4 nghìn m2 (chỉ làm giấy sang tay). Đất bà Hóa mua của hai người nói trên thuộc thửa 164 tờ bản đồ 23 xã Phước Thuận.
Do bà Hóa lại có thửa đất đang sử dụng bao quanh khu đất mua của ông Thanh và bà Thôi nên bà Hóa “yêu cầu” ông Thanh đứng tên đăng ký kê khai đất với tổng diện tích hơn 29,5 nghìn m2 trọn thửa 164 tờ bản đồ 23. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), ông Thanh làm thủ tục chuyển nhượng cho bà Hóa và được cơ quan thẩm quyền cấp GCNQSDĐ (22/8/2003).
Ngày 29/4/2006, ông Trần Văn Dững (ngụ xã Phước Thuận) đưa xe vào múc đất trên thửa đất mà bà Hóa đã mua, thấy thế ông Nguyễn Văn Nếp (con bà Hóa) ra ngăn cản, sau đó Công an xã đến xem xét vụ việc. Vì vậy, bà Hóa khởi kiện yêu cầu ông Trần Văn Tứ (cha ông Dững) ra tòa, yêu cầu trả lại diện tích đất mà bà đã mua của bà Thôi và khôi phục hiện trạng.
Kế đó, ông Tứ khiếu nại UBND xã Phước Thuận và UBND huyện Xuyên Mộc vì đã cấp GCNQSDĐ cho ông Thanh trong khi ông Tứ và bà Thôi đang tranh chấp; khiếu nại UBND huyện cấp GCNQSDĐ cho ông Thanh lấn sang phần đất của ông đang sử dụng hợp pháp 0,45ha. Trước đó, ngày 4/6/2002, bà Thôi đã có đơn gửi UBND xã Phước Thuận tranh chấp với ông Tứ phần diện tích 0,2ha. Điều đáng nói là tranh chấp giữa bà Thôi và ông Tứ chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Dù đất đang tranh chấp, nhưng UBND huyện Xuyên Mộc lại cấp GCNQSDĐ cho ông Thanh.
Ngày 31/7/2008, TAND huyện Xuyên Mộc sau khi thụ lý đã quyết định “buộc ông Dững và ông Tứ giao trả cho bà Hóa phần đất gần 8,7 nghìn m2 tọa lạc tải thửa 164 tờ bản đồ 23 xã Phước Thuận”. Ngày 29/9/2008, TAND BR-VT xử phúc thẩm, xác định: Ông Tứ, ông Dững cho rằng năm 2002, bà Thôi đang tranh chấp 0,2ha đất với ông, chưa được giải quyết nhưng UBND huyện lại cấp GCNQSDĐ cho ông Thanh sai, trình bày của ông Tứ là có căn cứ.
Tuy nhiên, HĐXX xét thấy, ông Tứ, ông Dững không có quyền sử dụng đất đối với diện tích 0,2ha mà trước kia bà Thôi tranh chấp với hai ông. Vì vậy không cần kiến nghị UBND huyện xem xét lại việc cấp GCNQSDĐ cho ông Thanh.
Chờ Tòa, Viện tối cao đến bao giờ!?
Để giải quyết dứt điểm vụ việc, hạn chế án tồn đọng, tránh khiếu nại kéo dài, Ban chỉ đạo THADS tỉnh BR-VT có văn bản gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Tổng Cục THADS, VKSNDTC, TANDTC đề nghị xem xét kiến nghị của Cục để có hướng giải quyết vụ việc.
Đáp lại, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội có công văn gửi Chánh án TANDTC xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án 125/2008/DSPT của TAND tỉnh BR-VT, do có những quan điểm chưa rõ, việc đánh giá chứng cứ chưa phù hợp với thực tế, khách quan.
Ngày 16/7/2010, VKSNDTC có văn bản gửi TANDTC (tại phía Nam) có công văn yêu cầu Tòa chuyển hồ sơ vụ án dân sự “tranh chấp quyền sử dụng đất” nêu trên. Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS – Bộ Tư pháp, Nguyễn Thanh Thủy cũng đã có công văn nêu rõ: Tổng cục đã trực tiếp làm việc với Cục THADS BR – VT để bàn biện pháp giải quyết cụ thể. Tuy nhiên, VKSNDTC đã có công văn đề nghị TAND tỉnh BR – VT chuyển hồ sơ vụ tranh chấp này.
Cục THADS tỉnh BR-VT khẳng định: Đây là vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Tứ với bà Thôi, ông Thanh. Việc Tòa hai cấp (sơ thẩm, phúc thẩm) xác định: “Vụ việc tranh chấp giữa bà Hóa (người mua tài sản) với ông Dững (người chiếm giữ tài sản), mà thực chất là giải quyết yêu cầu kiện đòi tài sản của bà Hóa đối với ông Dững là không chính xác; Bản án xác định ông Thanh là người kê khai, đứng tên trên sổ mục kê đất đối với diện tích hơn 29,5 nghìn m2 thuộc thửa 164, tờ bản đồ 23, xã Phước Thuận là không phù hợp với căn cứ trên sổ quản lý đất đai và không có trên thực tế...
Chưa hết, Cục THADS BR – VT còn cho rằng, do việc chậm xem xét kiến nghị của người có thẩm quyền kháng nghị nên đương sự các bên bức xúc, khiếu nại, tố cáo gay gắt, thậm chí gây sức ép đối với Cục THADS.
Để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, Cục THADS BR – VT kiến nghị, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC sớm giải quyết kiến nghị của Cơ quan THADS, có như thế thì vụ việc mới được giải quyết, tránh khiếu nại kéo dài, cũng như giảm bớt án tồn đọng ở Cục.
Phong Trần