Chó thả rông cắn người, chủ phải chịu trách nhiệm thế nào?

Hiện trường nơi cháu bé 7 tuổi bị đàn chó tấn công.
Hiện trường nơi cháu bé 7 tuổi bị đàn chó tấn công.
(PLVN) - Sự việc cháu bé 7 tuổi ở thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên) chết do bị một đàn chó gần 10 con tấn công một lần nữa báo động về việc không tuân thủ quy định về vật nuôi và hệ quả pháp lý của nó. Người dân, chuyên gia pháp luật nêu ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Mạnh Đạt (quận Cầu Giấy, Hà Nội): "Có thể ứng dụng công nghệ để quy trách nhiệm chủ vật nuôi"

Đối với việc thả rông chó, mèo hay các vật nuôi khác, theo tôi phải có chế tài xử phạt thật nghiêm chủ vật nuôi, vì vật nuôi chạy rông tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm: lao vào xe gây tai nạn, cắn người, mất vệ sinh môi trường…

Có một thực tế mà bản thân tôi đã gặp, đó là khi chó thả rông gây lao vào xe máy, gây tai nạn, thì chủ chó phủ nhận đó không phải chó của mình để không phải chịu trách nhiệm. Nên thực ra, nếu quản lí một cách triệt để, theo tôi cần ứng dụng công nghệ 4.0, theo đó, mỗi con chó cần có 1 vòng đeo cổ, trên đó có thông tin "định danh", bao gồm thông tin chủng loại chó, địa chỉ chủ chó, tình trạng tiêm phòng... 

Có nước đã quản lý như thế, và khi con chó chạy rông ngoài đường, bất kể ai bắt gặp sẽ đưa chó về đồn cảnh sát, và cảnh sát dựa trên thông tin trên cổ con chó để gửi giấy phạt về cho chủ chó.

Ông Trần Mạnh Đạt
Ông Trần Mạnh Đạt

Chị Nguyễn Thúy Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội): "Tuân thủ quy định để sự việc đau lòng như thế đừng xảy ra"

Là một người mẹ, tôi vô cùng đau lòng trước sự việc xảy ra. Đây không phải là lần đầu tiên chó tấn công con người. Tôi kính khẩn mong các gia đình, cá nhân nuôi chó, dù chó giữ nhà hay chó cảnh, đều cần phải rọ mõm chó trước khi cho chúng ra đường, phải tiêm chủng đầy đủ, nhất là không nên thả chó ra đường (kể cả có rọ mõm) nếu không có chủ nhân đi cùng. 

Chúng ta hãy bảo vệ chính chúng ta và các em nhỏ trước khi các cơ quan quản lý có biện pháp hữu hiệu. Gần đây, nhiều vụ việc trẻ em bị chó tấn công, kể cả chó nhà nuôi rất thân với chủ (bố mẹ em bé) mà gia đình cũng không thể cứu vãn được. Rất đau lòng!

Bà Nguyễn Thúy Hà
Bà Nguyễn Thúy Hà

Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư Hà Nội): "Súc vật gây thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường"

Pháp luật không ngăn cấm việc nuôi nhốt động vật, nhưng việc nuôi động vật trong nhà phải tuân thủ theo đúng quy định, nếu không thì người nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý từ những hệ lụy từ thói quen thả rông động vật nuôi gây thiệt hại cho người khác. 

Nếu súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường, đây là trường hơp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Bộ luật dân sự. Điều 603 “Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra” Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định: “1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. 3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. 4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Về xử lý vi phạm hành chính, điểm c Khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:... Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Điểm e, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định nói trên quy định về mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:...Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác. 

Điểm a, Điểm b, Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y quy định: Mức phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Luật sư Hà Huy Từ
Luật sư Hà Huy Từ

Luật sư Nguyễn Đào Tơ (Văn phòng Luật sư Hoàng Huy): "Xem xét trách nhiệm hình sự chủ đàn chó"

Trong vụ việc này, để biết người chủ vật nuôi đã phạm tội nào, cần phải xem xét dấu hiệu lỗi của họ. Do người chủ vật nuôi không hề có ý định, mục đích gây thương tích hay tước đoạt mạng sống của người khác nên lỗi của họ không phải lỗi cố ý trực tiếp theo theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Bộ luật hình sự năm 2015 như sau: “1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;”. 

Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, lỗi của người chủ vật nuôi có thể là lỗi cố ý gián tiếp “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.”, hoặc là lỗi vô ý do quá tự tin “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.”. 

Vụ việc này, nếu người chủ vật nuôi đã có trang bị những công cụ như rọ mõm, dây xích… để phòng ngừa nhưng vật nuôi vẫn chạy thoát ra để cắn cháu bé thì lỗi của người chủ là lỗi vô ý do quá tự tin. Ngược lại nếu không hề có các công cụ hay biện pháp phòng ngừa tương tự thì sẽ thuộc về lỗi cố ý gián tiếp.

Trường hợp lỗi cố ý gián tiếp, người chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” hoặc “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” lần lượt quy định tại Điều 123 và Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Việc phân định giữa hai tội này, Cơ quan điều tra cần thu thập nhiều thông tin hơn.

Trường hợp lỗi vô ý do quá tự tin, người chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm hình sự theo “Tội vô ý làm chết người” hoặc “Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” lần lượt quy định tại Điều 128 và Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015.

Luật sư Nguyễn Đào Tơ

Luật sư Nguyễn Đào Tơ 

Đọc thêm

Tiếp sự việc công dân phản ánh bị cơ quan đăng ký đất đai 'làm khó': Phó Chủ tịch UBND Hà Nội có chỉ đạo

Tiếp sự việc công dân phản ánh bị cơ quan đăng ký đất đai 'làm khó': Phó Chủ tịch UBND Hà Nội có chỉ đạo
(PLVN) - Sau khi tiếp nhận công văn gửi kèm đơn của bà Nguyễn Thị Vân Khánh (ngụ phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) có nội dung phản ánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Chi nhánh quận Hai Bà Trưng ra quyết định ngăn chặn không phù hợp pháp luật, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới có chỉ đạo.

Đề xuất các hình thức, biện pháp cứu trợ, hỗ trợ khi tình trạng khẩn cấp xảy ra

Đề xuất các hình thức, biện pháp cứu trợ, hỗ trợ khi tình trạng khẩn cấp xảy ra. (Ảnh: qdnd.vn)
(PLVN) - Bộ Quốc phòng đang dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sự việc dấu hiệu vi phạm trong cấp sổ đỏ tại Thanh Hóa: Văn phòng Đăng ký đất đai yêu cầu kiểm điểm 2 viên chức

Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Đông Sơn. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
(PLVN) - Ông Nguyễn Bá Khương (ngụ xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh việc cán bộ lập thủ tục, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) không đúng quy định. Mới đây, Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Thanh Hóa đã có Văn bản 407/TB-VPĐKĐĐ ngày 22/11/2024 thông báo kết quả giải quyết tố cáo.

Quy định mới về dựng lại hiện trường, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ

Quy định mới về dựng lại hiện trường, giải quyết vụ TNGT đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
(PLVN) - Bộ Công an đã ban hành Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT); trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định dựng lại hiện trường vụ TNGT đường bộ và giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính.

Lợi dụng lòng tin của người khác để lừa bán sang nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Mua bán người hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi như lừa "việc nhẹ, lương cao" hoặc mai mối "lấy chồng ngoại quốc". Những hành vi lợi dụng lòng tin để lừa bán người ra nước ngoài sẽ bị xử lý nghiêm khắc, với mức án có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Từ 1/1/2025, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Theo quy định mới tại Thông tư số 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an về quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, kể từ 1/1/2025, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát.

Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2024

Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) -  Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai; tài khoản mạng xã hội phải xác thực mới được đăng thông tin; áp dụng nhiều quy định về khuyến mại; hướng dẫn định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2024.