Những người già ở Khâu Vai kể rằng: Không còn nhớ chợ bắt đầu họp từ năm nào, nhưng đã hơn 100 năm nay, người dân trên Cao nguyên đá luôn tìm về Khâu Vai vào ngày 27.3 Âm lịch; họ đến không chỉ để gặp “người xưa“, mà đến miếu Ông, miếu Bà thắp hương, nguyện cầu tình yêu, hạnh phúc. Họ tin sợi chỉ đỏ buộc tay trong Lễ cầu duyên sẽ mang lại tình yêu, may mắn và hạnh phúc lứa đôi.
Chợ tình Khâu Vai khác biệt của phiên chợ này so với những chợ khác đó là đây không đơn giản là phiên chợ để người dân buôn bán các sản phẩm mà là phiên chợ tình. Tại đây các đôi trai gái từng có tình cảm với nhau mà không đến được với nhau, có thể đến gặp nhau, trò chuyện, ôn lại kỉ niệm với nhau mà không bị ngăn cản.
Một góc của chợ tình Khâu Vai (ảnh: tư liệu) |
Chợ họp vào ban đêm, khi sương lạnh giăng mờ những đỉnh núi Khâu Vai ẩn hiện mờ ảo, mê hoặc lòng người bởi tiếng khèn Mông, bởi câu hát phươn, hát lượn đối đáp giao duyên, bởi giọng thủ thỉ tâm tình của “người cũ” hỏi thăm nhau sau thời gian xa cách, là men rượu ngô say nồng.
Điểm thú vị là dù bạn đã có vợ hay lấy chồng thì vẫn có thể đến đây được, thậm chí là đi cùng nhau. Sau đó vợ đi tìm bạn của vợ còn chồng đi tìm bạn của chồng. Họ không ghen tuông mà coi đó là chuyện bình thường, tôn trọng bạn của nhau.
Chợ được tổ chức tại khu vực Mê cung đá, xã Khâu Vai và sân vận động trung tâm huyện Mèo Vạc với nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo, mang đậm nét văn hoá truyền thống các dân tộc như: Khai mạc lễ hội, đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá; Lễ dâng hương và Lễ cầu duyên tại miếu Ông, miếu Bà; Lễ cầu an; trình diễn thổi khèn Mông; Hát dân ca dân tộc Nùng, Giáy; múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô; múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy; múa nhảy lửa, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô; hát đối giao duyên qua ống dây của dân tộc Mông.
Chợ tình tái hiện những giá trị văn hóa mang đậm tính nhân văn cao đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Nhằm tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Hà Giang, góp phần thực hiện các giải pháp phục hồi ngành du lịch sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát trên địa bàn tỉnh.