Cho những điều đẹp đẽ ở lại

Em Phan Thị Ca kể lại câu chuyện và cái kết có hậu. (Ảnh cắt từ clip)
Em Phan Thị Ca kể lại câu chuyện và cái kết có hậu. (Ảnh cắt từ clip)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một năm cũ đã khép lại với những ngày cuối năm hun hút gió mùa đông bắc. Và còn đó những câu chuyện ấm lòng, những cổ tích có thật giữa cuộc đời tưởng như đã bị quên lãng những điều nhỏ bé, những tình người, bàn tay ấm sẻ chia…

Không chỉ cổ tích có thật của cô bé “bom hàng”...

Những ngày đón Giáng sinh vừa qua, cô bé “bom hàng” ở Bình Định đã nhận được lời hồi đáp cho những mong mỏi của mình, rằng mẹ em sẽ khỏe lại để chăm sóc 4 chị em còn thơ dại… Cô bé bất ngờ nổi tiếng khi mua bộ đồ 90 ngàn cho người mẹ đau ốm, nhưng em đi nhặt ve chai ba ngày chỉ được 30 ngàn. Người chủ bị “ bom hàng” đã đưa câu chuyện của cô bé hiếu thảo lên mạng xã hội. Và điều kỳ diệu đã xảy ra…

Từ khi Phan Thị Ca học lớp 6, mẹ của em là bà Phạm Thị Lan đã đổ bệnh nên không thể chăm sóc các con trong nhà. Em Ca và cha là ông Phan Văn Ta thay nhau lo lắng cho gia đình và 2 em nhỏ. Do bà Lan bệnh nặng, toàn bộ chi phí sinh hoạt trong nhà đè lên vai người cha vốn chỉ đi làm thuê làm mướn quanh năm nên kinh tế gia đình càng kiệt quệ.

Để giúp đỡ gia đình, Ca đã đi nhặt ve chai sau giờ học. Thấy mẹ không có áo mới, em lên mạng đặt mua một bộ đồ giá 90.000 đồng tại shop của chị Lê Thị Quỳnh Nha. Với suy nghĩ rằng mình sẽ đi nhặt ve chai để gom đủ tiền đến lúc shipper giao hàng.

Ca đi nhặt ve chai 3 ngày chỉ bán được 30 ngàn đồng thì bộ quần áo về, em không đủ tiền trả nên báo lại shipper. Chị Nha dù tức giận, chị vẫn kiên nhẫn hỏi lý do và khi nghe được câu chuyện của Ca, chị đã lặng người. Chị Nha tặng bộ đồ 90.000 đồng cho Ca và mẹ, cùng số tiền 1 triệu đồng để phụ giúp gia đình em, đồng thời chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.

Ngày 12/12, lãnh đạo Bệnh viện Bình Định sau khi biết được câu chuyện của bé Ca, đã tổ chức một cuộc họp và ra quyết định cử bác sĩ đến khám cho mẹ của bé tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định). Từ lúc nhập viện, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện rất nhiều xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ra căn bệnh của bà Lan.

Đến chiều 18/12, theo Bệnh viện Bình Định, sức khỏe của bà Lan đã có những chuyển biến tốt. Bà Lan có một khối áp xe rất lớn dưới da đầu gây nhiễm trùng nhưng không để ý. Bà được chẩn đoán tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não và thoái hóa khớp rất nặng nên bệnh viện đã tài trợ toàn bộ số tiền để mua thuốc điều trị tốt nhất cho bà Lan. “Chúng tôi đã tiêm cho bà thuốc đặc hiệu của khớp. Hiện tại, sức khỏe bà Lan đã tốt và có thể đi lại”, bác sĩ Phương Anh cho hay.

Chị Lê Thị Quỳnh Nha (chủ shop quần áo) và chồng thì mừng đến quên cả ăn uống. Chị cho biết không ngờ hành động nhỏ của mình và việc chia sẻ câu chuyện này đã mang đến cái kết đẹp như hôm nay.

Và còn đó những câu chuyện về lòng tốt, sự cho đi và nhận lại, về tình yêu thương lan tỏa trong cuộc sống đã được chia sẻ trong chương trình Gala Cảm ơn cuộc đời 2023 những ngày cuối năm vừa qua.

Với một năm nhiều thách thức, chỉ có vững tâm mới có được tâm thế đối mặt với sóng gió để bước tiếp trong cuộc sống. Sự vững tâm ấy đến từ bản thân mỗi người, từ sự chở che, đùm bọc của nghĩa “đồng bào”…

Còn nhớ trận mưa lũ lịch sử đêm 5/8/2023 đã cuốn trôi 20 căn nhà ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Ở khu vực trường Tiểu học & THCS Hồ Bốn, cả bốn thầy giáo đã mất hết tài sản sau cơn lũ. Gác lại nỗi niềm riêng, các giáo viên vẫn vất vả băng rừng, lội bộ “đến từng nhà, rà từng bản” để vận động các trò đến trường trước khi năm học mới bắt đầu.

“Điều chúng tôi mong muốn là làm sao để các em thấy ngôi trường như ngôi nhà của mình. Khi các em đến đây, các thầy cô chăm sóc, nuôi dạy các em, có sự đoàn kết, đùm bọc để tiến bộ trong học tập”, thầy giáo Nguyễn Xuân Trường chia sẻ.

Thầy Giàng A Che cho biết, 4 tháng sau trận lũ, các thầy đang xây dựng lại nhà ở, dù cuộc sống vẫn còn khá vất vả, chưa thể trở lại như trước. Tuy nhiên, niềm vui của các thầy là khi được thấy các em học sinh tới trường.

Đó là chuyện thầy giáo Lê Ngọc Thùy không ngần ngại lao vào dòng nước lớn cứu 3 người trong trận mưa lũ vào ngày 15/11. Hay câu chuyện của các sinh viên trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng đã cắm chốt giữa điểm lũ để mở tiệm sửa xe cho bà con miễn phí. Thiên tai, bão lũ là điều không thể lường trước nhưng tình người và chữ tâm vững vàng là điều mỗi người luôn giữ được để vượt qua bão tố trong cuộc đời...

Những cuộc đời mới được viết tiếp

Hình ảnh sạt lở đất xảy ra tại Trạm Cảnh sát Giao thông đèo Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. (Nguồn: Internet)

Hình ảnh sạt lở đất xảy ra tại Trạm Cảnh sát Giao thông đèo Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. (Nguồn: Internet)

Đó là câu chuyện của các thân nhân ba chiến sĩ công an đã hy sinh tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ngày 30/7/2023, một vụ sạt lở đất xảy ra tại Trạm cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

Trong biến cố đó, 3 chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn đã hy sinh, đó là: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (1981), Thượng úy Lê Quang Thành (1977), Đại úy Lê Ánh Sáng (1990) và anh Phạm Ngọc Anh (nguyên chiến sỹ nghĩa vụ, Công an tỉnh Lâm Đồng). Bên cạnh những đau xót khôn nguôi của đồng đội và ba gia đình chiến sĩ, sự vững tâm vẫn tiếp tục giúp họ sống cống hiến cho cuộc đời.

Sau những mất mát, với sự quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo, gia đình của ba chiến sĩ đã dần ổn định cuộc sống. Giờ đây, những người con, người em của các chiến sĩ đã tiếp bước họ trên hành trình cống hiến vì người dân, đất nước.

“Con trai út của chúng tôi đã tiếp bước theo anh nó. Chúng tôi luôn nhắc con phải xứng đáng với những người đi trước, nhất là với anh trai mình. Bao nhiêu gương anh hùng vì dân vì nước hy sinh nên mình phải sống sao để xứng đáng với những người đã ra đi”, cha của liệt sĩ Lê Ánh Sáng bày tỏ.

Không chỉ kiên tâm để sống, tình yêu thương sẽ lan tỏa mạnh mẽ khi mỗi người luôn kiên tâm với sự tử tế, sẵn sàng cho đi để nhận lại, bởi cho đi là còn mãi. Đó cũng là thông điệp trong câu chuyện của gia đình ông Ngô Văn Thu - bà Nguyễn Thị Hà, thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Trước Tết Nguyên đán, con trai 18 tuổi của ông bà sau 4 năm mòn mỏi chờ đợi được ghép tạng, đã ra đi do bệnh tim bẩm sinh phức tạp mà không có tạng hiến tặng phù hợp.

Nhưng chỉ 2 tháng sau, con gái của ông bà là Ngô Thị Lan Trang, 29 tuổi, chết não vì tai nạn giao thông, đã được gia đình đồng ý hiến tạng. Chính nhờ nguồn tạng này, Việt Nam đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép tim - thận đầu tiên cho một bệnh nhân 37 tuổi tại Gia Lai. Quyết định khó khăn ấy đã mang lại hạnh phúc vô bờ bến cho một gia đình khác, cho đi là còn mãi để cuộc đời luôn đầy những yêu thương.

Nữ bác sĩ Vũ Thị Nhung - khoa Giải phẫu bệnh, bệnh viện Bạch Mai - là điểm tựa của bệnh nhân trong suốt 20 năm công tác. Nhưng khi là nạn nhân trong vụ hoả hoạn tại chung cư mini tại Khương Hạ (Hà Nội), chị Nhung đã rơi vào cảnh đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, không có một điểm tựa nào đó. Đó cũng là trải nghiệm không bao giờ có thể quên của chị Nhung. Chị Nhung cho biết, cô và em gái bị ngất đi khi tìm cách thoát khỏi vòng lửa. Sự sống chỉ trở lại khi chị được một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy tìm thấy và cứu thoát.

Sau hơn 2 tháng nằm hồi sức cấp cứu, nay chị Nhung đã trở lại với đời sống thường nhật và nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng và những người thân xung quanh. Thế nhưng, một điều chị vẫn luôn đau đáu với bản thân, là từ đó đến nay, chị vẫn chưa thể gửi lời cảm ơn đến người chiến sĩ đã cứu mạng sống cho mình.

“Tôi rất biết ơn toàn bộ bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai, cùng các đồng nghiệp của mình, họ là những người đã giành giật cho tôi cuộc sống thứ hai. Tôi cũng muốn tìm những anh lính cứu hỏa đã đưa mình ra khỏi đám cháy”...

Và ở chương trình Gala Cảm ơn cuộc đời, một cuộc gặp gỡ đặc biệt đã diễn ra. Đó là khoảnh khắc chị Nhung và chồng gặp lại 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đã cứu hộ cứu nạn ở nơi chị ở. Đó là chiến sĩ Vũ Đình Hưng, chiến sĩ Nguyễn Đức Anh và chiến sĩ Nguyễn Minh Đức. Bằng sự dũng cảm, trước mọi khó khăn, dù đó là biển lửa, khói mịt mù, những trái tim vững tâm đã giúp họ luôn dấn thân để tạo nên giá trị tốt đẹp. Chẳng màng đến danh lợi, họ cứ thế thầm lặng cống hiến để mỗi ngày được sống trên cuộc đời, không hề hối tiếc bất kì điều gì. Câu chuyện của chị Nhung và chuyến gặp gỡ nhờ chương trình cũng là lời tri ân đặc biệt của Cảm ơn cuộc đời năm nay.

Vỹ thanh

Hành trình cảm xúc của Gala Cảm ơn cuộc đời 2023 khép lại với câu chuyện của ông Nay Blum, sống và làm việc tại tỉnh Gia Lai. Trong gần 30 năm qua, người bác sĩ xóa bỏ hủ tục ấy đã luôn vững tâm để trao gửi yêu thương cho những đứa trẻ thiệt thòi. Bởi ở Gia Lai, Tây Nguyên, khi những người mẹ mắc bệnh qua đời thì những đứa trẻ nhỏ cũng bị chôn sống theo. Đau xót trước những hoàn cảnh thương tâm, người bác sĩ đã dành cả cuộc đời của mình để cứu sống những đứa trẻ tội nghiệp.

Giờ đây, hủ tục trên đã được xóa bỏ, những người dân đã trao gửi sự tin tưởng vào người bác sĩ luôn hết lòng vì người dân. “Chờ đến khi mình có thì biết đến bao giờ. Thôi giờ mình cứ đùm bọc, nương tựa vào nhau để sống”, suy nghĩ này đã giúp vợ chồng bác sĩ Nay Blum nhận nuôi và chăm sóc cho rất nhiều đứa trẻ, tạo cho chúng một cuộc đời thứ hai.

“Mình không suy nghĩ, không nản lòng. Tình yêu thương dẫn dắt mình, làm cho mình lúc nào cũng vui vẻ. Mình chỉ có cái mắt nhìn và cái tâm thôi. Có tình yêu thương là có tất cả”, vợ bác sĩ Nay Blum nói…

Có thể nói, trong những ngày cuối năm chộn rộn, những câu chuyện đẹp đẽ, những điều ấm lòng của sự sẻ chia, nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái sẽ luôn ở lại trong tim mỗi chúng ta. Để mỗi con người qua nhiều mỏi mệt, đều có những điều ấm lòng, đẹp đẽ như những que diêm trong đêm đông của cổ tích Anđecxen. Vẫn luôn có những điều đẹp đẽ chờ đợi chúng ta, trong mỗi ngày bước tới…

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi công bố quyết định (Ảnh: UBND.TPHN)

Hà Nội đi đầu trong chỉ đạo phòng chống lãng phí

(PLVN) - Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí. Qua đó thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của TP Hà Nội.

Đọc thêm

Xôn xao bức ảnh hành lang một lớp ngoại ngữ, làm gì để 'gỡ' gánh nặng cho người già?

Không nên để việc trông cháu thành gánh nặng cho người cao tuổi. (Nguồn: LAP)
(PLVN) - Mới đây, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp cảnh hành lang chờ tại một lớp học của trung tâm ngoại ngữ, cho thấy không ít trong số những người đang ngồi chờ là các ông, bà cụ cao tuổi với gương mặt khá mệt mỏi. Bức ảnh đã gây ra một số tranh luận liên quan đến câu chuyện trách nhiệm, tình thương hay “gánh nặng” chăm cháu của một bộ phận không nhỏ người cao tuổi nước ta.

Người phụ nữ cho Jeans cũ một cuộc đời mới

Doanh nhân Bùi Thị Kim Ngân chia sẻ tại chương trình "Phụ nữ làm chủ cuộc đời - She Leads Her Life"
(PLVN) - Không chỉ tái chế quần jeans cũ thành những sản phẩm thời trang độc đáo, doanh nhân Bùi Thị Kim Ngân còn "tái chế" cả những quan niệm cũ kỹ về phụ nữ. Quán quân chương trình "Khi phụ nữ làm chủ" năm 2023 khẳng định: Phụ nữ chính là nước, mềm mại nhưng uyển chuyển, có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh và làm chủ cuộc đời mình.

Cứu người phụ nữ ăn lá ngón tự tử

Cứu người phụ nữ ăn lá ngón tự tử
(PLVN) - Giận chồng, người phụ nữ ở huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) ăn 6 lá ngón để tự tử. Chị này may mắn được các bác sĩ Phòng khám quân dân y Axan cứu sống.

Thầy giáo Phạm Quốc Việt thầm lặng cống hiến trên vùng sâu Tu Mơ Rông

Thầy giáo Phạm Quốc Việt thường xuyên kiểm tra kiến thức học sinh.
(PLVN) - Nhiệt huyết, sáng tạo trong giảng dạy; truyền ngọn lửa say nghề đến đội ngũ giáo viên; thương yêu, miệt mài truyền thụ tri thức cho bao thế hệ học sinh, thầy giáo Phạm Quốc Việt, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học -Trung học cơ sở (PTDTBT TH-THCS) xã Đăk Sao đã và đang góp sức vào sự nghiệp giáo dục ở huyện vùng sâu Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Tìm kiếm 2 nạn nhân rơi theo xe rác xuống sông

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tìm kiếm 2 người trên xe chở rác mất tích khi rơi xuống sông.
(PLVN) - Chiều 21/11, lực lượng chức năng huy động tối đa lực lượng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn vụ ô tô chở rác đâm lan can cầu treo Bình Thành (Thừa Thiên Huế) rồi lao xuống sông khiến hai người mất tích.

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.

Đề xuất nhân văn của TP Hồ Chí Minh

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, TP HCM đề xuất muốn dùng ngân sách để xử lý một số khoản vay với người nghèo, là khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; nhưng quá hạn, khó thu hồi. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các phong trào hỗ trợ người nghèo như xóa nhà tạm, nhà dột nát (dự kiến hoàn thành trong năm 2025); “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… thì đây là một động thái được dư luận rất quan tâm.