Thời gian vừa qua, trong những thành tựu chung của nền kinh tế đất nước có sự đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp và của cộng đồng DN, các tổ chức đại diện cho DN, trong đó có Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (viết tắt là CLB).
“Cầu nối” chưa được phát huy
Đây cũng là một nội dung được bàn thảo và là phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ III (2013 – 2018) được Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Chủ nhiệm CLB Đinh Trung Tụng đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chủ nhiệm CLB lần thứ VII nhiệm kỳ II (2007 – 2012) diễn ra vào chiều 16/8.
Phó Chủ nhiệm CLB Nguyễn Duy Lãm đã nêu bật những kết quả đạt được của CLB như chăm sóc, phát triển hội viên; hoạt động tư vấn pháp luật cho DN; hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế DN; hoạt động tổ chức hội thảo, tọa đàm về các chủ đề pháp luật; phát triển trang thông tin điện tử CLB; củng cố hoạt động của 5 Văn phòng đại diện tại TP.HCM, Hải Phòng, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nam cũng như tham gia vào các hoạt động của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp.
Bên cạnh đó, hoạt động của CLB vẫn còn một số hạn chế, vai trò “là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật” còn chưa được phát huy, số lượng hội viên phát triển được chưa nhiều, hoạt động của các Văn phòng đại diện CLB chưa đồng đều, nội dung trên Trang thông tin điện tử đôi khi còn chưa kịp thời và chưa mang tính thời sự… Nguồn thu hội phí và các hoạt động của CLB còn hạn hẹp, công tác thu hội phí chỉ đạt trên 20% so với số DN đăng ký trở thành thành viên. “Đây là vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay của CLB nói riêng và các hiệp hội DN ở Việt Nam nói chung đang gặp phải” – ông Lãm trăn trở.
Chú trọng vai trò người đứng đầu CLB
Bàn về giải pháp tăng cường tính độc lập tự chủ cho CLB, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, Bộ Tư pháp đã bàn bạc và thống nhất là lãnh đạo Bộ sẽ không giữ cương vị Chủ nhiệm, mà chỉ tham gia Hội đồng cố vấn, để CLB phát huy tính tự quản, tự chủ.
Tán thành với giải pháp trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, CLB cần nhanh chóng thoát khỏi sự bảo trợ của Bộ Tư pháp như kinh nghiệm của Hiệp hội là chỉ trực thuộc Bộ KH&ĐT, hầu như không nhận bao cấp của Bộ chủ quản nữa. “CLB có lẽ đặt ra mục tiêu là chủ trì về mặt pháp luật đối với tất cả các hội, hiệp hội. Như thế sẽ thu hút được đông đảo hội viên hơn bây giờ rất nhiều” – ông Toàn đề xuất. Nhưng theo ông Toàn, là một tổ chức phi Chính phủ thì thương hiệu của người đứng đầu rất quan trọng, bởi thế, tới đây, nên chăng vẫn có lãnh đạo Bộ Tư pháp đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm nhằm tạo điều kiện cho thương hiệu CLB phát triển.
Đồng tình với quan điểm của ông Toàn, ông Trần Văn Bình (Vietsovpetro) cũng khẳng định, sự chỉ đạo, lãnh đạo CLB của lãnh đạo Bộ Tư pháp rất có “sức nặng” trong việc thu hút hội viên tham gia CLB. Ông Bình phân tích, mỗi khi DN gặp vướng mắc pháp lý không thể nhanh chóng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành, nhưng nếu là hội viên của CLB thì các vướng mắc ấy lại sớm được giải quyết, góp phần giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh. “Mong là lãnh đạo Bộ Tư pháp chưa “buông” vị trí Chủ nhiệm CLB, ít nhất là trong nhiệm kỳ III” – ông Bình tha thiết bày tỏ.
Sơn Hà