Vụ ám sát chấn động
Khashoggi (60 tuổi) từng là biên tập viên của nhật báo Al-Watan và làm việc cho một kênh tin tức của Saudi Arabia. Ông cũng cộng tác với báo Washington Post (Mỹ), đồng thời đóng góp các bài viết về Saudi Arabia và Trung Đông cho BBC. Khashoggi từng có mối quan hệ thân thiết với Hoàng gia Saudi Arabia, thậm chí làm cố vấn cho các quan chức cấp cao chính phủ.
Tuy nhiên, ông sau đó thường xuyên chỉ trích chính quyền Saudi Arabia cũng như Thái tử Mohammed bin Salman vì chính sách đối ngoại và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Ông rời nước vào năm 2017, tới sống lưu vong tại Washington. Khashoggi đã bày tỏ lo sợ rằng mình có thể bị trả thù vì quan điểm trái ngược với chính phủ.
Ngày 2/10/2018, nhà báo Jamal Khashoggi được nhìn thấy lần cuối cùng trên camera an ninh đang đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ông tới lãnh sự quán để làm thủ tục kết hôn với bạn gái người địa phương nhưng không trở ra.
Khi tin tức về vụ mất tích của Khashoggi lan rộng, chính quyền Saudi Arabia khẳng định ông đã rời lãnh sự quán trong tình trạng hoàn toàn bình thường. Tổng lãnh sự Saudi Arabia nhấn mạnh những đồn đoán về việc Khashoggi bị bắt cóc là “vô căn cứ”. Tuy nhiên, lúc này, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nghi ngờ Khashoggi bị bắt cóc và giết hại.
Nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại hồi năm 2018 ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). |
Ngày 10/10, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ công bố các bức ảnh về “đội sát thủ” 15 người được cho là do Saudi Arabia cử tới Istanbul để thủ tiêu nhà báo Khashoggi. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng trong khoảng 2 giờ vào lãnh sự quán Arab Saudi, Khashoggi đã bị các điệp viên Arab giết hại rồi phân xác. Ngày 12/10, một phái đoàn Saudi Arabia tới Ankara để điều tra vụ mất tích của Khashoggi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi đó thề sẽ có các “biện pháp trừng phạt thích đáng”” nếu Khashoggi thực sự đã bị giết hại và Arab Saudi đứng sau sự việc. Ngày 15/10, các đội điều tra Thổ Nhĩ Kỳ mới được phép khám xét lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.
Đến sáng 19/10/2018, sau hơn 2 tuần phủ nhận các cáo buộc thủ tiêu và bắt cóc, chính quyền Saudi Arabia cuối cùng thừa nhận Khashoggi đã bị giết bên trong lãnh sự quán ở Istanbul vì “một vụ ẩu đả”, tuy nhiên đến nay, thi thể của Khashoggi chưa được tìm thấy.
Những thông tin động trời
Ngày 21/10/2018, một quan chức Saudi Arabia tiết lộ với Reuters rằng Khashoggi đã bị siết cổ sau khi vào lãnh sự quán. Kế hoạch ban đầu yêu cầu 15 điệp viên đều xuất thân từ lực lượng an ninh và tình báo Saudi Arabia tới Thổ Nhĩ Kỳ để thuyết phục Khashoggi về nước. Họ được lệnh đưa Khashoggi tới một ngôi nhà ở ngoại ô Istanbul.
Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như kế hoạch khi nhóm 15 người hành xử vượt quá mệnh lệnh và sử dụng vũ lực, khiến Khashoggi thiệt mạng. Để che đậy sự việc, nhóm đặc vụ đã cuộn Khashoggi trong thảm, đưa ra ngoài bằng xe của lãnh sự quán rồi giao cho một “tòng phạm người bản địa” để phi tang. Trong lúc đó, một đặc vụ mặc quần áo, đeo kính và đồng hồ của Khashoggi rồi rời lãnh sự quán bằng cửa sau để giả như nạn nhân đã đi khỏi tòa nhà.
Hôn thê của nhà báo Khashoggi, bà Hatice Cengiz. (Ảnh: AP) |
Nhóm 15 người viết một báo cáo giả gửi lên cấp trên, khẳng định họ đã để Khashoggi ra đi khi ông cảnh báo sự việc có thể đánh động tới giới chức Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà báo kỳ cựu Nazif Karaman của tờ Daily Sabah Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ông nắm một phần nội dung đoạn băng ghi âm lại sự việc xảy ra bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia.
Theo Karaman, Khashoggi đã nói: “Tôi bị ngạt thở... Bỏ cái túi đó ra khỏi đầu tôi. Tôi sợ không gian hẹp”. Karaman tin Khashoggi bị chụp túi nylon lên đầu dẫn tới ngạt thở đến chết. Vụ sát hại diễn ra trong khoảng 7 phút. Ngày 23/10/2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố vụ sát hại nhà báo Khashoggi là một âm mưu được lên kế hoạch kỹ lưỡng, nhưng không trực tiếp đề cập tới Thái tử Mohammed. Một ngày sau, trong phát ngôn đầu tiên trước công chúng về vụ sát hại Khashoggi, Thái tử Mohammed gọi đây là “một tội ác ghê tởm không thể dung thứ”.
Phiên tòa được mong đợi
Ngày 10/11, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp đoạn ghi âm tại lãnh sự quán liên quan đến vụ sát hại Khashoggi cho cơ quan tình báo Saudi Arabia, Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Saudi Arabia cam đoan trước Liên Hợp Quốc rằng những kẻ sát hại Khashoggi chắc chắn sẽ bị trừng trị. 5 ngày sau, Saudi Arabia công bố đã truy tố 11 người liên quan tới cái chết của Khashoggi, trong đó 5 nghi phạm sẽ phải đối diện án tử hình.
Phía Saudi Arabia kiên quyết phủ nhận việc Thái tử Mohammed ra lệnh giết Khashoggi. Trong số các nghi phạm sát hại nhà báo Khashoggi có Saud al-Qahtani - cựu cố vấn hàng đầu của Thái tử Mohammed. Al-Qahtani bị cáo buộc là người đã ra lệnh cho 15 điệp viên Saudi Arabia tới Thổ Nhĩ Kỳ giết Khashoggi. Qahtani được miêu tả là “cánh tay phải” của Thái tử Mohammed.
Hồi tháng 8/2017, Qahtani viết trên Twitter: “Bạn nghĩ tôi đưa ra quyết định mà không cần chỉ đạo từ bên trên ư? Tôi là một nhân viên và là người thực hiện mệnh lệnh của Quốc vương và Thái tử”. Dòng bình luận của Qahtani, dù xuất hiện từ trước khi xảy ra vụ sát hại Khashoggi nhưng đã khiến giới quan sát nghi ngờ... Tại phiên tòa xét xử hồi tháng 12/2019, tòa án đã tuyên 5 án tử hình đối với 5 kẻ trực tiếp sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trên tổng số 11 bị cáo đã bị đưa ra xét xử.