Không kém hấp dẫn
Đây là khoảng thời gian các đội bóng có cơ hội bổ sung nhân sự vào giữa mùa giải bởi trong một mùa bóng, nhiều vấn đề có thể nảy sinh, như tình trạng chấn thương, xuống thể lực hay đơn giản chỉ là sự xuống phong độ của các ngôi sao. Chính vì thế, kỳ chuyển nhượng này thường mang ý nghĩa “chữa cháy” nhiều hơn, nhất là với những câu lạc bộ có tham vọng.
Thông thường, những đội bóng như vậy bộ khung cũng đã tương đối ổn định sau kỳ chuyển nhượng mùa hè, vì vậy, việc đặt một khoản tiền lớn để chiêu mộ một ngôi sao trong khi bộ khung đã ổn định là điều thường hiếm khi xảy ra. Chưa kể, cho dù là ngôi sao lớn đi chăng nữa, việc thích nghi ngay với một môi trường mới khi đội bóng đã vào “phom” cũng là điều không hề dễ dàng. Thời gian chuẩn bị quá ít sẽ đi cùng với việc hòa nhập khó khăn hơn.
Đối với các câu lạc bộ, việc tham gia thị trường chuyển nhượng mùa đông cũng là điều họ phải cân nhắc. Rõ ràng Luật công bằng tài chính được áp dụng đồng nghĩa các câu lạc bộ dù có tiền cũng không thể chi tiêu một cách vô tội vạ. Nếu là kỳ chuyển nhượng mùa hè, họ sẽ có nhiều thời gian cân nhắc, đàm phán hơn và không phải quá lo lắng về việc bị ép giá.
Trong khi đó, với kỳ chuyển nhượng mùa đông, như đã nói ở trên, nhiều khi chỉ mang ý nghĩa “chắp vá”, mà thời gian chuẩn bị, tìm hiểu cho đội bóng cũng không nhiều, rất dễ mua phải các món hàng hớ với những mức giá “trên trời”.
Nói là vậy, nhưng không phải không có những cú “áp phe” lớn ở kỳ chuyển nhượng mùa đông. Bởi thế, truyền thông vẫn đưa tin dày đặc về sự kiện này. Chẳng hạn, năm 2011, chỉ vài ngày trước khi khép lại kỳ chuyển nhượng mùa đông, Fernando Torres, khi đó đang là linh hồn của Liverpool, là chân sút đáng sợ hàng đầu châu Âu bỗng nhiên cập bến Chelsea.
Số tiền Chelsea bỏ ra lên tới 50 triệu bảng, tại thời điểm năm 2011 là bản hợp đồng giá trị nhất trong lịch sử chuyển nhượng nội bộ ở nước Anh và biến Torres thành cầu thủ đắt giá thứ 4 trong lịch sử bóng đá. Sự ra đi chóng vánh của Torres thật sự khiến cổ động viên Liverpool phát điên. Họ kéo xuống đường la ó, và đốt áo đấu của anh để phản ứng. Cũng ngay tại kỳ chuyển nhượng đó, Liverpool đã phải lập tức tìm phương án chữa cháy với 2 bản hợp đồng lớn, là Andy Carroll từ Newcastle với giá 35 triệu và Luis Suarez từ Ajax với giá 22,7 triệu bảng.
Nếu Messi khoác áo Man City trong tháng 1/2021, đây sẽ là bản hợp đồng lịch sử trong các kỳ chuyển nhượng mùa đông. |
Tuy nhiên, sau này chỉ có Suarez chứng tỏ được giá trị, còn Carroll trở thành bản hợp đồng đáng quên nhất trong lịch sử câu lạc bộ. Vụ chuyển nhượng mùa đông đắt giá nhất cũng liên quan đến Liverpool, khi cách đây 2 năm, họ đã bán Philippe Coitinho cho Barca. Số tiền chuyển nhượng rơi vào khoảng 142 đến 145 triệu bảng, biến ngôi sao Brazil trở thành cầu thủ đắt giá thứ 3 thế giới, sau Neymar và Kylian Mbappe. Cũng vào tháng 1/2018, Liverpool chiêu mộ Van Dijk từ Southampton với giá 75 triệu bảng, biến anh thafh trung vệ đắt giá nhất thế giới.
Những vụ chuyên nhượng kể trên chứng tỏ kỳ chuyển nhượng mùa đông cũng đáng để chú ý. Và quả thật, nhiều câu lạc bộ đã thật sự có được những cầu thủ vô cùng chất lượng ở kỳ chuyển nhượng này. Man United là một trong những câu lạc bộ chi tiêu rất thành công ở kỳ chuyển nhượng mùa đông. Có thể kể đến những cái tên như Patrice Evra,Nemanja Vidic và gần đây nhất là Bruno Fernandes.
Họ đều nhanh chóng trở thành những cầu thủ không thể thay thế. Thậm chí Sir Alex từng khẳng định Vidic là vụ chuyển nhượng thành công bậc nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông. Hoặc như Real Madrid, họ có được Marcelo trong tháng 1/2007 và quả thật, hậu vệ trái Brazil đã trở thành một phần lịch sử câu lạc bộ, với những đóng góp vô cùng to lớn. Hay Suarez và Van Dijk cũng vậy, họ đều là những cầu thủ rất quan trọng của Liverpool.
Chờ bom tấn
Không ít bom tấn có thể diễn ra ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa đông này. Tại nước Anh, khi Mikel Arteta vẫn thờ ơ với Ozil thì giải pháp để Arsenal thoát khỏi khủng hoảng sẽ là một tiền vệ, và cái tên Housssem Aouar, cầu thủ có giá khoảng 55 triệu bảng của Lyon đang được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua.
Trong khi đó, Man United cũng đang rất khát khao có thêm một tiền vệ sáng tạo, và họ rất có thể sẽ thực hiện cú “áp phe” với Jack Grealish của Aston Villa, mục tiêu mà họ đã theo đuổi đã lâu. Thậm chí, HLV Solskjear đã không ít lần đăng đàn bày tỏ về việc Man United sẽ chịu chi để mang tiền vệ người Anh về Old Trafford. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là một bom tấn thật sự bởi giá trị của Grealish được dự đoán không dưới 100 triệu bảng.
Ở nửa xanh thành Manchester, Man City đang tỏ ra khá yên ắng. Tuy nhiên, ai cũng biết HLV Guardiola đang rất mong muốn có một cầu thủ san sẻ gánh nặng cho Aguero. Thậm chí, có không ít thông tin ông đang cố gắng thuyết phục Messi về với câu lạc bộ. Điều này nghe có vẻ điên rồ, nhưng hoàn toàn có khả năng bởi Guardiola và Messi là những người có nhiều năm gắn bó và quan hệ rất tốt.
Messi thì không ít lần bày tỏ muốn ra đi, trong khi Man City thì có dư tiền để chiêu mộ, trả một mức lương khổng lồ cho anh, và quan trọng hơn, đây là đội bóng có nhiều tham vọng. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây chắc chắn sẽ trở thành bom tấn lớn nhất trong lịch sử chuyển nhượng mùa đông.
Tại Tây Ban Nha, Barcelona cũng đang có những ngày bận rộn. Đầu tiên, họ muốn thanh lý ngay 2 bản hợp đồng vừa hưởng lương cao, lại chẳng đóng góp được gì mấy là Countinho và Dembele. Nếu 2 cầu thủ này ra đi, dù đến đâu thì cũng sẽ trở thành bom tấn bởi giá trị của họ hiện tại đều trên dưới 100 triệu bảng.
Ngược lại, họ cũng đang tìm cách đưa về 2 cái tên đáng chú ý là Memphis Depay, cầu thủ đang chơi tuyệt hay tại Lyon và Lautaro Martinez của Inter Milan. Tuy nhiên, khả năng họ chiêu mộ được Martinez không cao. Lý do không nằm ở mức giá khoảng 80 triệu bảng của anh, mà bởi Martinez đang là thành phần không thể thiếu trong chiến dịch Scudetto của HLV Antonio Conte.
Với Real Madrid, họ đang khá kín tiếng, tuy nhiên, có nhiều tin đồn cho rằng HLV Zidane muốn câu lạc bộ chiêu mộ ngay ngôi sao Son Heung Min từ Tottenham. Cầu thủ người Hàn được định giá khoảng 80 triệu bảng và Real có vẻ cũng là đất lành của các cựu cầu thủ Tottenham, như Modric và Bale chẳng hạn.
Tại Italia và Đức, các thông tin chuyển nhượng có vẻ ít hơn. Tại Italia, đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng là AC Milan thì từ bao năm nay chẳng lấy gì làm dư dả, vì vậy dù các trụ cột có chấn thương nhiều, họ cũng chẳng dám bạo chi. Với những câu lạc bộ giàu có hơn như Inter và Juventus thì đội hình của họ cũng đang dư thừa ngôi sao, cho nên nhu cầu mua sắm thêm cũng ít. Có chăng thì Inter sẽ bán Eriksen hay Juve sẽ dốc túi mua lại Pogba, tuy nhiên những thương vụ như thế khả năng thành công không cao.
Còn ở Đức, trước đến nay họ cũng thường không chú ý nhiều đến các vụ chuyển nhượng mùa đông. Có chăng thì cũng tìm cách giữ người để hoàn thành nốt nửa cuối mùa giải. Thông tin chuyển nhượng chủ yếu là các cầu thủ sẽ rời câu lạc bộ như Sancho, Halland, nhưng khả năng họ ra đi trong mùa đông là không cao. Tại Pháp, gã nhà giàu PSG cũng thường đánh tiếng về nhưng bom tấn, nhưng với dàn cầu thủ chất lượng hiện tại, họ có lẽ cũng không muốn mua sắm thêm, chưa kể họ cũng rất e ngại Luật công bằng tài chính.