Chợ Yến (cũ) được xây dựng năm 1994 tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa với diện tích gần 2.000m2, gồm 1 nhà chợ chính và 19 ki ốt. Qua gần 25 năm, ngôi chợ cũ đã xuống cấp.
Từ năm 2017, sau nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân hai thôn Nhơn Hội và Hội Sơn đã kiến nghị HĐND xã An Hòa cần đầu tư, xây dựng lại chợ Yến mới. Chợ Yến cũ được xây dựng thành công viên.
Tháng 8/2018, chợ Yến mới được đầu tư xây dựng cũng tại thôn Nhơn Hội, cách chợ Yến cũ 400m với diện tích 3.387m2, tổng đầu tư hơn 6 tỷ đồng với hệ thống khu chợ chính, ki ốt, nhà giữ xe, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước, đảm bảo cho hàng trăm tiểu thương kinh doanh buôn bán.
Ngày 29/5/2019, UBND xã ra thông báo dời chợ Yến cũ tới nơi mới. Nhiều tiểu thương không đồng tình, cương quyết bám trụ chợ cũ, khiến chợ mới dù đã được đưa vào hoạt động 9 tháng nhưng vẫn đìu hiu, vắng vẻ, nhiều ki ốt bỏ trống.
Một người dân đang buôn bán ở chợ cũ cho biết, chợ mới vắng người, buôn bán không được nên đành phải về khu vực chợ cũ bán lại. “Mấy tháng trước, tôi đã lên chợ mới bán, nhưng ế ẩm quá”, chị nói.
Một người dân khác thì cho rằng dân ở đây số là người già và phụ nữ, làm nghề biển nên quanh năm chỉ đi bộ, không biết đi xe. Chợ mới cách xa khu dân cư, việc đi lại khó khăn. Hơn nữa, vào mùa mưa, chợ mới xảy ra tình trạng ngập lụt. “Mùa nắng không nói, chứ mùa mưa đi bộ cả km để đi chợ, tôi già rồi đi không nổi nữa. Tôi quen đi chợ cũ rồi”, một bà cụ chia sẻ.
Có người còn cho rằng, khi xây chợ mới, chính quyền địa phương không khảo sát, tham khảo ý kiến của người dân, không họp bàn dân, đồng thời có “lợi ích nhóm” của một số cán bộ địa phương trong việc xây chợ; nên nhiều tiểu thương cương quyết không tới chợ mới.
Tại chợ mới, toàn cảnh đìu hiu, vẻ buồn bã xuất hiện trên gương mặt các tiểu thương. “Chợ mới khang trang, sạch sẽ hơn, có đầy đủ các thiết bị phòng chống cháy nổ nhưng vắng người mua. Tôi được Nhà nước vận động ra chợ mới để bán, nhưng sức mua ở đây chậm quá”, bà Trịnh Thị Hoa (50 tuổi) chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Lan (52 tuổi), lại cho rằng, trước kia, mỗi sáng khi chợ cũ họp, do không có nhà giữ xe, người dân để xe lấn ra hai bền đường nên việc lưu thông tại chợ cũ thường bị ách tắc. Chợ mới rộng rãi, có nhà để xe, nhà vệ sinh, thoáng mát không phải chen lấn như trong chợ cũ nên bà chọn đi chợ mới mỗi ngày: “Từ ngày có chợ Yến mới, tôi hay đến đây mua, vì thoáng mát, sạch sẽ, có chỗ để xe”.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, xây chợ Yến mới là chủ trương đúng đắn của xã An Hòa. Do chợ cũ đã quá tải, mùa mưa chợ thường bị ngập, nước thải từ chợ chảy vào Trường Tiểu học An Hòa, gây ô nhiễm môi trường, nhà trường đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương.
Đồng thời tại chợ cũ, nhiều mảng bê tông trong các ki ốt đã vỡ, xuống cấp, nếu có cháy nổ xảy ra sẽ không ứng cứu được. Vấn đề này đã được Sở Xây dựng tỉnh thẩm định, đánh giá, nên việc xây dựng chợ mới là cấp thiết.
Về phương án lâu dài, để vận động bà con ra chợ mới, ông Thành cho biết đã chỉ đạo UBND xã An Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân, đồng thời có biện pháp miễn giảm tiền thuê ki ốt, sạp, tạo điều kiện cho tiểu thương ổn định khi về chợ mới.