Chênh vênh lán chợ
Khi chúng tôi dừng chân, mấy em bé đang ngồi vắt vẻo bên trong lán chợ vội rối rít vẫy khách, gọi mời. “Chú mua măng về ăn nhé, măng núi mùa này ngọt lắm” - một cô bé nhanh nhảu rao. Ánh nắng xuyên qua kẽ hở trên tấm tôn rách rọi vào khuôn mặt em đỏ ửng.
Khu chợ là những lán trại sơ sài nằm bên mép vực |
Qua trò chuyện, em cho biết tên là Y Mây (9 tuổi), nhà ở thôn Kơ Xia, xã Đắk Trăm ngay dưới chân đèo. Sáng sáng Mây theo mẹ đi hái nấm, hái măng và rau rừng. Sau đó, em đi bộ mang theo những sản vật này ra lán chợ bán cho khách qua đường. Buổi trưa, em ở lại chợ đợi mẹ đem cơm ra hai mẹ con cùng ăn. Ăn xong, mẹ lại vào rẫy mì làm cỏ. Khi chiều tàn, bố mẹ mới từ rẫy ra đón em về nhà. Cứ như vậy, phiên chợ diễn ra tuần hoàn êm ả từ năm này qua năm khác.
Chủ sạp là những đứa trẻ, vừa bán hàng vừa trông em |
Các em nói rất thích lên chợ vừa có bạn chơi vừa có thêm thu nhập |
“Có hôm em bán được 50 ngàn, cũng có lúc bán được cả trăm tiền. Cách đây mấy hôm đoàn du lịch qua, họ dừng lại chụp ảnh rồi cho em cả 200 ngàn. Tiền này em không giữ đâu. Chiều về em đưa lại cho mẹ mua gạo, sắm đồ.” - Mây nở nụ cười tươi rói.
Buổi trưa, thêm những đoàn em nhỏ lũ lượt kéo nhau ra khỏi rừng mang theo những gùi nặng trĩu rau rừng, măng, nấm và đôi khi có cả những nhành lan rừng tươi thắm. Cả khu chợ bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên, tiếng nói cười, chuyện trò rôm rả.
Hai cô chủ nhí của sạp hàng chào bán món nấm rừng |
Y Mây bảo, chợ này chủ hàng toàn con nít. Những anh chị lớn hơn hoặc ở nhà chăm em, hoặc lên rẫy trồng mì. “Bọn em ở đây vui lắm, vừa có bạn chơi vừa kiếm được tiền phụ bố mẹ. Có những ngày em bị ốm nhưng cũng không muốn ở nhà nên cứ nằng nặc đòi bố mẹ cho lên lán. Ở nhà nhớ chợ, nhớ bạn bè lắm. Hết hè chúng em quay lại đi học, phải đợi đến hè năm sau mới mở hàng lại"- Mây tâm sự.
Cũng là một cô chủ nhỏ của khu chợ này, Y Trang (10 tuổi, thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm) có đôi mắt trong như giọt nắng. Trang cho biết em đã lên đây bán được 3 mùa hè rồi. Nhà em nghèo lại đông anh em nên đói cái ăn lắm. Nhà Trang cũng canh tác vài ha mì. Nhưng mỗi năm chỉ thu được một vụ. Những ngày thế này bố mẹ không kiếm đâu ra tiền. Bởi vậy cứ vào kì nghỉ hè là Trang lại lên rừng hái măng, hái nấm đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập giúp mẹ.
Thấp thỏm giấc mơ con chữ
Gần trưa, Y Linh (16 tuổi, làng Đăk Mông) gùi mớ lá sâm từ trong rừng đi ra. Nhà Y Linh có tới 9 anh em, nghèo quá ăn còn chưa đủ nên em đã nghỉ học từ năm lớp 8 để phụ giúp gia đình. Ngày trước em cũng từng bán ở đây nhưng giờ chỉ quanh quẩn trên nương với bố mẹ.
Chị Y Hiền tâm sự về niềm mơ ước đàn con được học hành, bên cạnh là cô con gái Y Học (9 tuổi) |
“Em cũng muốn đi học, được gặp bạn bè vui chơi. Nhưng nhà không có cái ăn nên em đành nghỉ học, đi làm với bố mẹ thôi. Ngày trước đi học em cũng ước được làm cô giáo. Nhưng giờ thì xa quá rồi, cái chữ trong đầu em cũng quên luôn” - Linh thở dài, chợt ném ánh mắt vào khoảng không vô định.
Là người phụ nữ duy nhất có mặt ở chợ, chị Y Hiền (35 tuổi, trú làng Đắk Mông) nhìn chúng tôi cười nói: “Các anh có mua gì không mà hỏi tụi nhỏ miết vậy?”. Rồi chị dọn lại “mớ hàng” lấy chỗ cho khách ngồi.
Mỗi món hàng chỉ10 ngàn đồng nhưng chứa đựng cả ước mơ, khát vọng được học hành của các em |
Chị Y Hiền trông già hơn so với cái tuổi của mình, hai bên gò má đen sạm, những nếp nhăn đã xếp đầy trên khóe mắt. Mới 35 tuổi nhưng chị Hiền đã có 8 đứa con, đứa lớn năm nay 16 tuổi và cũng đã nghỉ học hơn 3 năm nay. Hôm nay mấy đứa lớn ở nhà chăm em, hái củi chỉ có bé Y Học (9 tuổi) theo mẹ lên chợ.
“Mình đặt tên nó là Y Học vì muốn nó được học hành như người ta, sau này phụ giúp bố mẹ. Nhưng cứ nghèo thế này không biết nó có đi học nổi không. Hè này mình cho con lên đây bán kiếm tiền. Số tiền ấy để mua gạo, đồ ăn. Còn dư bao nhiêu mình để dành mua sách vở, bút thước cho con đến lớp. Nhà nghèo quá, cũng muốn con được đi học chứ nhưng đành…”- chị Hiền ngậm ngùi bỏ dở câu.