1. Theo truyền thuyết, người ta hay kể rằng hoa Bỉ Ngạn là loài hoa duy nhất mọc dưới đường xuống hoàng tuyền, linh hồn trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong Xuyên, sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa Bỉ Ngạn. Dù là đau khổ tột cùng hay yêu thương thắm thiết, hoa Bỉ Ngạn đều thu nhận những hồi ức đó. Khi nhắc đến hoa Bỉ Ngạn người ta hay nhắc đến niềm đau thương, sự chia ly và tuyệt vọng. Bởi hoa Bỉ Ngạn thường nở vào xuân phân, đây là thời gian mà theo lời dạy của phật trong thời gian 7 ngày của mùa thu, người sống có thể đi vào thế giới của người chết để gặp gỡ ông bà tổ tiên.
Nói đến loài hoa Bỉ Ngạn chúng ta thường nghĩ tới màu đỏ nhưng thực tế chúng có tới 3 màu: Đỏ, Vàng, Trắng. Trong đó, Bỉ Ngạn màu trắng gọi là Mạn Đà La Hoa, Bỉ Ngạn màu đỏ gọi là Mạn Châu Sa Hoa.
Đức Phật một lần tình cờ gặp loài hoa và thấy tỏ tình hình và thốt lên rằng: “Bỉ Ngạn hoa, một nghìn năm nở, một nghìn năm tàn, hoa và lá vĩnh viễn không thể gặp nhau. Tình không vì nhân quả, duyên đã định tử sinh”. Ngài thương tình và muốn mang về miền Cực Lạc, nhưng thế giới thanh tịnh ấy không thể tiếp nhận thứ tình si mà loài hoa này chất chứa. Hoa đến Cực Lạc chuyển thành màu trắng vì những nhung nhớ, u sầu, đau thương, tình si... kết thành màu đỏ, rời khỏi hoa rơi xuống sông Vong Xuyên. Hoa Bỉ Ngạn trắng từ đó được gọi nó là Mạn Đà La hoa, hoa của cõi Phật.
Bồ Tát Địa Tạng biết rằng nghiệp duyên của hoa Mạn Đà La nên đã đến bên bờ sông Vong Xuyên, ném xuống một hạt giống, từ đó một đóa hoa đỏ tươi bay ra khỏi mặt nước. Ngài đón lấy hoa và nói: “Ngươi đã thoát thân trở về miền Cực Lạc, sao còn đem nỗi hận tình si để lại nơi khổ ải vô biên này chứ? Vậy thì, ngươi hãy ở đây làm sứ giả tiếp dẫn các linh hồn đi về phía luân hồi”.
2. Một truyền thuyết khác, kể về một đôi uyên ương đang hạnh phúc, đành ly biệt vì người chồng đi làm ăn xa, rồi bỏ mạng nơi đất khách. Khi đến bờ sông Vong Xuyên, linh hồn của chàng không muốn uống canh Mạnh Bà vì không muốn luân hồi, muốn trở về để gặp người vợ đang mỏi mòn chờ đợi mình. Anh xót xa tự nhủ khi cầm bát canh: “Dù phải uống thứ nước vong tình này thì ta vẫn không muốn quên. Sau khi chuyển sinh, ta nhất định sẽ đến tìm nàng”. Người vợ hay tin chồng qua đời quá buồn tủi nên nhiều lần tự tử nhưng không thành. Và cô thủ tiết ngày đêm hương khói thờ chồng.
Và người chồng tái sinh sang một gia đình khác, gần ngôi nhà cũ. Năm cậu 20 tuổi, tình cờ đi qua nhà vợ mình ở kiếp trước, anh có cảm giác quen thuộc nên dừng lại, thấy một quả phụ đang ngồi khâu vá. Nhưng anh không hề biết đó là vợ của mình, nên bước đi.
Nhưng người vợ nhận ra đó là chồng mình... Vì quá nhớ nhung chồng nên cô ốm và qua đời. Tới sông Hoàng Tuyền, gặp Mạnh Bà, Mạnh Bà nói: “Duyên phận của hai người đã hết, chia ly cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng thấy cô không đành lòng, ta sẽ cho cô được gặp lại anh ta lần nữa. Tuy nhiên, cô sẽ phải ở đây chịu khổ 20 năm rồi mới được chuyển sinh vào kiếp sống tiếp, cô có nguyện ý không?”. 20 năm sau, cô được Mạnh Bà đưa tới trước cửa luân hồi và cho biết cô sắp được gặp người cô đợi chờ bấy lâu. Cô gái khóc nức lên khi thấy người chồng mà cô mòn mỏi. Nhưng người đàn ông nhìn cô với ánh mắt xa lạ, uống chén canh vong tình, rồi anh bước vào cửa luân hồi.
3. Người ta nói, hoa Bỉ Ngạn là loài hoa có độc, cho nên ái tình cũng là một thứ “độc dược”, khiến những ai chìm đắm trong đó phải đau khổ day dứt cả một đời. Người ta nói, hoa Bỉ Ngạn là loài hoa nơi địa phủ, cho nên những ai không thể bước qua được ái tình sẽ chỉ khiến tâm hồn chôn vùi trong dĩ vãng. Người ta nói, hoa Bỉ Ngạn là loài hoa rực lửa, cho nên tình ái mới khiến người ta say đắm nồng nàn. Chẳng phải người đời vẫn hay nói “tình yêu rực lửa”, “tình yêu cháy bỏng” đó sao? Nhưng thiên tình sử nào, cuối cùng rồi cũng trái ngang.
Ái tình là mộng ảo, khi duyên hết thì tình cũng dứt, trả hết nợ một đời thì đừng nên luyến tiếc mà càng thêm đau khổ. Kiếp người chúng ta không thể thoát được một chữ: TÌNH. Nhưng bản chất của nó cũng giống như mọi thứ khác trên đời, là sự: Thay đổi. Duyên đến nên quý, duyên hết nên buông!
Tình yêu không phải là thứ để đem ra thử thách lòng kiên nhẫn của nhau. Tình yêu có lúc vui buồn, dịu ngọt, dữ dội hay đắm say, nhưng chỉ cần ta buông tay, chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi ấy thôi cũng có thể làm trái tim nhau tan nát, làm niềm tin vỡ vụn, làm hi vọng vụt tắt. Tình yêu, ấy là cùng nắm tay nhau, cùng nhìn một hướng hoặc có thể khác nhau, nhưng phải luôn nhìn nhau, luôn hương về nhau… Thế nên, dù cầm tay nhau bao lâu, khi phải quyết định buông tay, tức là họ đã không còn mong muốn đồng hành. Nghĩa là đã không còn rung động, là niềm đau đã đủ, là tay đã bỏng… để buông!
Tình yêu nào cũng thế, mệt mỏi thì sẽ phải xa nhau. Có khi là bỏ nhau lập tức, có khi là ở cạnh, bởi có những tình cảm mà người trong cuộc coi nhau là trang sức, coi nhau là vật quý để thoả mãn là có chứ không phải cần như nước uống, cơm ăn. Chả ai có lỗi, khi đối diện với chia tay.
Đơn giản, không còn ấm áp, không còn sẻ chia, không còn thấy đáng phải làm thì sẽ không cần làm nữa.Với những người biết trân trọng bản thân họ, thì sẽ trân quý đối phương nên đôi khi, vì chính sự trân quý, tử tế, họ cũng chấp nhận ra đi không 1 lời giải thích. Dẫu cho ngôn tình vẫn có. Tình yêu đẹp cũng có! Nhưng mỗi chúng ta nên nhìn vào sự thật, khi một trong 2 phía, không còn rung động, khi họ đã thay đổi, khi họ đã uống bát canh Mạnh Bà, thì bạn hãy để cho quá khứ ngủ yên. Quá khứ là ngày hôm qua, không thể chạm tới hiện tại! Vì ba vạn chín ngàn lý do, người ta chỉ buông tay được, khi đã thật đau mà thôi…