Nhiều người cho rằng, đi du lịch từ thiện dành cho những người thích du lịch biết “chịu khổ”.
Đi du lịch “chịu khổ”
Trước nhu cầu hướng thiện của các bạn trẻ, hiện nay, các công ty lữ hành: Lửa Việt, Saigontourist, Vietravel, Hanoi Redtours... đang khai thác loại hình du lịch kết hợp làm từ thiện một cách tích cực. Mục tiêu của chương trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những du khách vừa kết hợp tham quan những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của đất nước vừa dành thời gian để đến những nơi điều kiện khó khăn góp một phần nhỏ vật chất và tinh thần giúp các em bé ở vùng cao có được manh áo và bữa cơm thêm chất đạm.
Chuẩn bị đón mùa đông 2018, với mong muốn mang đến cho các em nhỏ một chút hơi ấm xua tan cái giá lạnh vùng cao, Vietravel Hà Nội đã sớm lên kế hoạch thực hiện các chương trình du lịch kết hợp từ thiện mang tên “Áo ấm cho em”. Năm 2018 này, chương trình tiếp tục được triển khai qua 4 cung đường Đông - Tây Bắc gồm: Mù Cang Chải - Sa Pa - Điểm trường Hang Đá, Hà Giang– Điểm trường PT Dân tộc bán trú Thái An; Điện Biên - Trường PTDTBT số 2 xã Na Tông - Sơn La và Thái Nguyên - Cao Bằng.
Đặc biệt, các chương trình đều được Vietravel hỗ trợ 100% chi phí đi lại và vận chuyển quà tặng. Bên cạnh đó, với mỗi tour đăng ký là du khách đã ủng hộ 500.000đ vào quỹ quà tặng cho các em nhỏ học sinh khó khăn. Không dừng lại ở việc trao quà, giao lưu với các tổ chức từ thiện đơn thuần, phần đông du khách tham gia tour đều đòi hỏi nhà tổ chức phải thiết kế sao cho họ “chịu khổ” thật nhiều.
Cụ thể như tận tay xây gạch, quét vôi, tham gia quá trình sửa lại nhà hay được khuân vác hàng hỗ trợ đến tận tay người dân tại những khu vực vùng sâu, hẻo lánh…
Có nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, đường đồi núi sạt lở, du khách phải đi bộ hơn 10km để mang quà đến. Thay vì vui chơi thỏa thích ở những khu du lịch sang trọng, ăn những món ăn đắt tiền, du khách từ thiện lại ngủ ở nhà sàn cộng đồng hay ở nhà dân bản với giường chiếu, tuềnh toàng và ăn bữa cơm đạm bạc cùng gia chủ. Đây là cơ hội để các bạn vừa chia sẻ khó khăn với những phận đời kém may mắn, vừa có những trải nghiệm thú vị. Nét đẹp từ cách làm du lịch “hai trong một” này ngày càng được giới trẻ hưởng ứng.
Rất ít thời gian nghỉ dưỡng
Ông Phạm Văn Bảy - Đại diện Vietravel Hà Nội, một đơn vị có nhiều năm tổ chức các chương trình du lịch từ thiện cho hay, do tính chất đặc thù nên các chương trình du lịch từ thiện được tập trung triển khai tại một số vùng khó khăn tại đất nước hình chữ S như vùng Đông Tây Bắc, Tây Nguyên…
Tổ chức tại các tỉnh, huyện còn nhiều khó khăn nên đường sá đi lại, cơ sở hạ tầng tại đây còn rất nhiều hạn chế. Rất ít điểm trường nằm tại khu vực đường quốc lộ hay tuyến đường chính, mà thường nằm ở các vùng sâu, vùng xa, chỉ những bác tài lái xe cự phách mới dám luồn lách trên cung đường vào 2 xe ngược chiều chỉ cách nhau gần 10cm.
Trời nắng, đường khô ráo được coi là thuận lợi, chứ gặp đúng ngày trời mưa, nhiều tuyến đường đất trơn trượt, quanh co rất khó di chuyển. Việc tổ chức chương trình giao lưu, trao quà tặng cũng phải nằm trong thời gian tính toán cho phép, tránh việc khi kết thúc chương trình trời đã sẩm tối, việc di chuyển ngược lại chỗ nghỉ sẽ có nhiều nguy hiểm.
Ngoài tấm lòng nhiệt huyết, du khách còn cần có một sức khỏe tốt. Bởi trong suốt hành trình này, du khách rất ít có thời gian nghỉ dưỡng. Để đi được nhiều nơi ủng hộ bà con vùng lũ lụt, thiên tai, hạn hán, nghèo khó, bệnh tật, không ít tour lên kế hoạch di chuyển tỉnh này sang tỉnh khác rất dày đặc. Hầu hết, du khách thường tranh thủ nghỉ ngơi trên xe ô tô. Xuống xe là họ bắt tay ngay vào du lịch kết hợp với giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn giữa tiết trời khắc nghiệt: mưa - nắng, lạnh - nóng.
Đối với người dân, phát triển du lịch đồng nghĩa với việc có thêm công ăn việc làm, có nguồn thu nhập thoát nghèo, các em nhỏ phần nào được quan tâm hơn trong việc ăn uống, học hành. Đối với người đi, chuyến trải nghiệm tại miền cao sẽ giúp họ hiểu hơn cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc, từ đó có hành động chia sẻ thiết thực với cộng đồng, tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội.
Thùy Trang, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Giao thông bộc bạch: “Trước đây, tôi sống khá ích kỷ, chỉ lúc nào cũng nghĩ những việc có lợi cho mình, bất chấp việc chà đạp một số người để đạt được ý muốn. Nhưng từ khi tham gia chuyến du lịch từ thiện, tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, tự tay giúp họ lợp lại mái nhà bị lũ quét và tặng họ chút tiền mua thức ăn, tôi đã ngộ ra một điều “sống trên đời cần có một tấm lòng”. Du lịch từ thiện giúp mọi người sống chậm lại và để cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống chân thực hơn”.