Gỗ bất hợp pháp không có “đất” sống
Ngày 8/5, Bộ NN&PTNT và Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) đã tổ chức họp báo công bố kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) (Hiệp định VPA/FLEGT). Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam và EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt khi hai bên đang chuẩn bị ký chính thức Hiệp định thương mại tự do (EVFTA).
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, sau 6 năm chính thức đàm phán, VPA/FLEGT đã được Việt Nam và EU ký ngày 19/10/2018. Hiệp định này cũng đã được EU và Chính phủ Việt Nam phê chuẩn vào tháng 4 vừa qua.
“Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi là dấu mốc khởi đầu việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp…” - ông Trị nhấn mạnh và cho biết, để thực hiện Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ XK của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm việc xác minh một cách hệ thống để đảm bảo các DN Việt Nam NK gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác.
“Điều này có nghĩa là gỗ khai thác bất hợp pháp và các DN mua bán gỗ khai thác bất hợp pháp sẽ không được tham gia chuỗi cung ứng theo quy định của Hệ thống VNTLAS…” – ông Trị lưu ý.
Nội dung chính của Hiệp định VPA/FLEGT là Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang EU.
“Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định khi XK vào EU. Điều này có nghĩa là giấy phép FLEGT sẽ thay thế hàng loạt giấy tờ mà hiện nay DN XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang phải nộp cho nhà NK EU để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp...” - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Giấy phép FLEGT - “Giấy thông hành” cho gỗ vào EU
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Hiệp định VPA/FLEGT chính thức thực thi từ 1/6/2019 nhưng không có nghĩa tác động ngay đến kim ngạch XK gỗ của Việt Nam vào EU. Thứ trưởng dẫn chứng: Năm 2010, kim ngạch XK gỗ của Việt Nam 3,4 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK gỗ vào EU chiếm 20%; Năm 2018, con số này là trên 9,3 tỷ USD nhưng kim ngạch XK gỗ vào EU chỉ chiếm 15%. “Tỷ trọng giảm nhưng rõ ràng giá trị tăng lên rất nhiều…”- Thứ trưởng phân tích. Ông cũng lưu ý, Hiệp định VPA/FLEGT chỉ được triển khai đầy đủ khi cơ chế cấp phép FLEGT bắt đầu hoạt động.
“Khi đó, mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT. Cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo việc đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU, một quy chế được xây dựng nhằm ngăn chặn việc NK gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU. Mặt khác, EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường EU. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường XK khác, các thị trường đang ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp…”- Thứ trưởng kỳ vọng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết, để thực hiện Hiệp định, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương xây dựng Nghị định quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Theo kế hoạch, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019. Nghị định này sẽ điều chỉnh một số quy định pháp luật về quản lý gỗ NK, phân loại rủi ro DN, xác minh XK và cấp phép FLEGT cho thị trường EU.
“Khi Nghị định có hiệu lực chúng tôi tin tưởng rằng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam sẽ là công cụ hữu hiệu để chúng tôi truy xuất, xác minh nguồn gốc hợp pháp bất kể đó là gỗ được khai thác trong nước hay gỗ NK…”- Thứ trưởng nói,
Trả lời cho câu hỏi: “Bao giờ Việt Nam có giấy phép FLEGT đầu tiên?”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết “chưa nói được” nhưng cả Việt Nam và EU cam kết cố gắng trong 1 năm. “Cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ được NK từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định của Quy chế gỗ của EU nhằm đảm bảo loại trừ rủi ro NK gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU…”-Thứ trưởng cho hay.
“Việt Nam đã vượt qua rất nhiều thách thức, sự khác biệt về thể chế và chính sách quản lý rừng để đàm phán thành công với EU về Hiệp định VPA/FLEGT, khẳng định quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Việt Nam. Chúng tôi cũng biết rằng việc thực thi Hiệp định trong thời gian tới còn khó khăn và thách thức hơn nhiều quá trình đàm phán. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng với quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, cam kết cộng đồng DN và các hộ trồng rừng cùng với sự ủng hộ đồng hành của EU, các tổ chức quốc tế và trong nước, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ được thực hiện thành công và Việt Nam sớm cấp phép FLEGT cho các lô hàng XK vào EU, góp phần thúc đấy thương mại song phương giữa EU và Việt Nam, phát triển bền vững ngành chế biến gỗ Việt Nam…”
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn