Ngày 5/3 vừa qua, các ngân hàng Việt Nam đã chính thức được triển khai eKYC theo Thông tư 16/2020/TT-NHNN (TT 16) ngày 4/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Hạn mức không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng
Điểm đáng chú ý của TT 16 là bổ sung Điều 14a quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương eKYC.
Thay vì phải phải đến trực tiếp quầy giao dịch của ngân hàng để thực hiện các thủ tục đăng kí, xác minh thông tin… khi muốn mở tài khoản ngân hàng hoặc mở thẻ ATM... thì giờ đây, khách hàng có thể thực hiện các thao tác này qua điện thoại nhờ giải pháp eKYC.
Các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán là bản chính hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng eKYC phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định về pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh đó, ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, đồng thời chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có).
Theo Thông tư 16, tổng hạn mức giá trị giao dịch qua các tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng phương thức điện tử đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng. Tuy nhiên, hạn mức này có thể cao hơn trong một số trường hợp như sử dụng cuộc gọi video call để thực hiện xác minh thông tin khách hàng trong quá trình mở thẻ thanh toán…; Áp dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân; Thực hiện nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản…
An toàn hơn nhờ công nghệ
Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), tại Thông tư sửa đổi lần này, NHNN đưa ra một số yêu cầu quan trọng để đảm bảo việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử được an toàn, hiệu quả.
Theo đó, các ngân hàng vẫn phải đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu là phải có giải pháp công nghệ kiểm tra đối chiếu về thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học với thông tin; có quy trình quản lý kiểm soát, đánh giá rủi ro... Trong quá trình triển khai các ngân hàng phải tăng cường nhân sự và các biện pháp rà soát, kiểm tra, đối chiếu, đánh giá giải pháp công nghệ eKYC, đảm bảo chất lượng đường truyền... Trong trường hợp phát hiện quy trình không đảm bảo an toàn, bảo mật hoặc có sự cố trong quá trình mở tài khoản thanh toán cần kịp thời từ chối, dừng quy trình mở tài khoản đang thực hiện và hướng dẫn khách hàng thực hiện trực tiếp tại quầy…
Thực tế, từ đầu tháng 7/2020, NHNN đã cho phép khoảng 10 ngân hàng được thí điểm áp dụng eKYC trong hoạt động với yêu cầu phải đảm bảo an toàn rủi ro, khi có tình huống xảy ra thì các ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm.
Tại HDBank, trong tháng đầu tiên áp dụng eKYC, số lượng khách hàng đăng ký tài khoản thông qua hình thức xác thực điện tử đã tăng trên 35,4 ngàn tài khoản mới. Số lượng khách hàng giao dịch thường xuyên tăng 40% trong đó 30% sử dụng dịch vụ topup điện thoại (nạp thẻ điện thoại trực tuyến cho khách hàng có tài khoản ngân hàng), 70% sử dụng thanh toán hóa đơn và các giao dịch thanh toán điện tử khác. Tổng doanh số giao dịch của HDBank đã tăng 25% trong tháng đầu tiên ứng dụng xác thực khách hàng từ xa.
Tại VPBank, chỉ sau 2 tháng ứng dụng eKYC, ngân hàng đã có xấp xỉ 15.000 tài khoản đăng ký mới, bằng 50% so với dự tính của cả năm 2020.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, qua quá trình thử nghiệm triển khai eKYC tại ngân hàng, việc xác thực danh tính khách hàng bằng công nghệ còn an toàn hơn xác thực trực tiếp tại quầy. Thông qua eKYC, ngân hàng đã phát hiện có trường hợp khách hàng sử dụng tới 9 chứng minh thư nhân dân khác nhau để đăng ký. Với phương pháp truyền thống, việc xác thực này phụ thuộc rất lớn vào khả năng của giao dịch viên. Với ứng dụng công nghệ số, như công nghệ LiveBank (nhận diện khuôn mặt trên kênh ngân hàng tự động) mà TPBank đang triển khai, ngân hàng có thể nhận diện tới 128 thông số của khách hàng trong vòng 3 giây quét khuôn mặt.
Liên quan đến an ninh bảo mật, ông Đào Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, Vietcombank sẽ tiếp tục cập nhật khung khổ pháp lý quan trọng; hoàn thiện, đầu tư hệ thống công nghệ, an ninh để đảm bảo an toàn phương thức thanh toán; phối hợp với Bộ Công an, trao đổi thông tin chia sẻ kinh nghiệm giữa các ngân hàng. Quan trọng nữa là ngân hàng sẽ tăng cường truyền thông cho khách hàng tự phòng tránh hành vi thủ đoạn lừa đảo. Khách hàng phải quan tâm đến bảo mật thông tin tránh việc để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản…
Trong bối cảnh Bộ Công an đang đẩy nhanh quá trình xây dựng có cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia và với việc Chính phủ cho phép triển khai thí điểm Mobil Monney, dự kiến công nghệ eKYC nói riêng, ngân hàng số nói chung sẽ có sự bùng nổ trong thời gian tới…
“Với bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, ngành ngân hàng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi theo hướng số hóa tự động, cung ứng sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm, giúp các ngân hàng phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh. Trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng, việc thực hiện eKYC trong thiết lập mối quan hệ lần đầu với khách hàng được coi “cửa ngõ” để phát triển các mô hình ngân hàng số. Đặc biệt, việc nhận biết và xác minh thông tin khách hàng trong mở tài khoản thanh toán đóng vai trò quan trọng, giúp khách hàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng, cho phép các ngân hàng có thể mở rộng khách hàng và cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện, hiệu quả…”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh