Nghị quyết số 61/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, bên cạnh việc “nới” thời gian vay vốn từ 10 lên 15 năm, đã bổ sung nhiều đối tượng được vay vốn, trong đó có sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội.
Ai “dám” cho sinh viên vay?
Chia sẻ tin mừng này, Thúy Vân (Học viện Tài chính) tỏ ra nghi hoặc: “Sinh viên bọn em, những người cần có chỗ ở, đa phần là ở tỉnh về. Mà, với thực tế những người đang đi học, chưa làm ra tiền, chuyện vay tiền ngân hàng mua nhà là điều chúng em chưa dám nghĩ tới. Thậm chí, học xong có việc làm hay không, việc làm đó có đủ trang trải nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống hay không còn là điều đa số sinh viên chưa định liệu được, nói chi chuyện vay tiền mua nhà”.
Các bạn của Vân, có nhiều người đi làm thêm ngoài giờ đi học, nhưng việc làm thêm lại không có tính ổn định cao và cũng chỉ nhằm tích lũy kinh nghiệm, may mắn lắm mới đủ tiền sách vở. Cũng có những người có chỗ ở riêng ổn dịnh ngay từ khi đi học, nhưng là từ nguồn hỗ trợ của bố mẹ, chứ bản thân sinh viên chưa thể chủ động được việc mua nhà hệ trọng này.
Một chuyên viên mảng bán lẻ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng thẳng thắn bày tỏ khi phóng viên hỏi về khả năng sinh viên được vay tiền mua nhà ở xã hội: “Gói 30 nghìn tỷ đồng là gói ưu đãi lãi suất, nhưng các ngân hàng thương mại vẫn phải chịu trách nhiệm về khoản vay. Vì thế, chúng tôi phải xác minh từng hồ sơ để nhận định khả năng thu hồi vốn của mình”. “Là sinh viên, việc chính của bạn là đi học. Vậy, bạn lấy đâu ra nguồn thu để chứng minh khả năng trả nợ. Cá nhân tôi thấy quy định này thiếu khả thi lắm”.
Lo tình trạng mượn danh sinh viên để vay vốn giá rẻ
Dù khi vay sinh viên có thể đem chính căn hộ sẽ mua đó làm tài sản thế chấp, nhưng các chuyên gia ngân hàng mà chúng tôi tham khảo đều thẳng thừng cho rằng điều này không có ý nghĩa nhiều bởi quan trọng vẫn là khả năng đảm bảo trả nợ của người vay. Không ngân hàng nào mong muốn phải thu hồi nợ bằng tài sản thế chấp, bởi suy cho cùng, ngân hàng không muốn biến mình thành “nhà đầu cơ” nhà ở xã hội bất đắc dĩ.
Ngay cả một chính sách an sinh xã hội quan trọng khác là cho học sinh, sinh viên vay tiền đi học thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội – thực chất là công cụ thực hiện an sinh xã hội của Chính phủ - cũng phải thực hiện qua nhiều trình tự, thủ tục với những quy định ràng buộc về việc trả nợ, trách nhiệm gia đình… Khoản vay đó quan trọng và thiết thực đối với học sinh, sinh viên, được giám sát qua hoạt động của đoàn thể xã hội, của cộng đồng địa phương, mà còn có những khoản khó khăn trong công tác thu hồi.
Còn ông Hoàng Thịnh - một nhà quản lý xây dựng có nhiều kinh nghiệm thì nhìn nhận quy định này giống như “cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đi thi đại học” vậy. “Đối tượng này cũng được đưa vào cho đủ các đối tượng được hưởng ưu tiên, nhưng khó khả thi lắm. Nếu “quản” không tốt, có thể phát sinh tình trạng mượn danh nghĩa sinh viên để được vay tiền lãi suất thấp mua nhà” – ông Thịnh nói. Theo ông, với đối tượng như sinh viên ở Việt Nam, dù trên 18 tuổi nhưng thực chất đa phần sống bằng nguồn tài chính của bố mẹ thì khả thi nhất vẫn là Nhà nước đầu tư nhà cho các em được thuê với giá rẻ đảm bảo việc học hành.